Tự tin đưa gạo Việt sang thị trường “khó tính” của thế giới

Đầu năm mới 2013, gạo Việt liên tục xuất sang Nhật Bản, thị trường với những tiêu chuẩn “gắt gao” hàng đầu thế giới. Với những nỗ lực trong sản xuất và quản lý, sự phối hợp hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp ở tỉnh An Giang đã cho ra đời các sản phẩm lúa gạo hàng đầu.

Những thông tin đầu năm mới 2013 về gạo Việt Nam liên tục xuất sang Nhật Bản, thị trường với những tiêu chuẩn “gắt gao” hàng đầu thế giới đã làm nức lòng người trồng lúa. Bởi hạt gạo Việt được khẳng định chất lượng và nâng cao thương hiệu, giá trị “hạt ngọc” của vùng đất Cửu Long.

Người nông dân trồng lúa tại An Giang luôn được giải đáp thắc mắc trong sản xuất lúa gạo
để cho ra đời sản phẩm gạo có chất lượng, giá thành hạ.

Ông Nguyễn Văn Tắc, nông dân trong vùng nguyên liệu Vĩnh Bình của Công ty Cổ phần bảo vệ Thực vật An Giang nêu rõ: Với lúa trồng trong vùng nguyên liệu để cung cấp cho phía Nhật, đội ngũ kỹ sư của công ty hầu như ngày nào cũng có mặt trên đồng ruộng. Chính vì vậy, cách thức quản lý đồng ruộng đã theo quy trình khép kín. Do đó, người nông dân cũng yên tâm khi những thắc mắc luôn được giải đáp nhằm cho ra đời sản phẩm gạo có chất lượng, giá thành hạ.

Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình sàng lọc đối tác, các chuyên gia Nhật Bản vẫn tìm mọi cách để kiểm tra vùng nguyên liệu. Liên tục trên cánh đồng trong vùng nguyên liệu, các chuyên gia Nhật đã đến tận nơi khảo sát quá trình canh tác lúa, ghi nhận danh mục vật tư nông nghiệp đã sử dụng...

Theo Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, tất cả kết quả khảo sát thực tế được tổng hợp, báo cáo về bộ Nông nghiệp Nhật Bản xin ý kiến về việc quyết định chọn nhà cung ứng gạo. Sau đó, công đoạn kiểm tra, phân tích mẫu sản phẩm gạo còn gắt gao hơn. Cụ thể, cơ quan Giám định và khách hàng phía Nhật Bản đã lấy mẫu sản phẩm gạo Vĩnh Bình đưa sang Thái Lan, về tận Nhật, phân tích đầy đủ các chỉ tiêu hoá chất, và tất cả đều phải đạt thì họ mới chấp thuận cho nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tắc cho biết thêm: “Mình áp dụng phương pháp phòng trừ từ đầu tới cuối. Họ kiểm nghiệm rất gắt gao. Họ chấp nhận tức là hạt gạo của chúng ta có triển vọng lắm”.

Có thể nói, việc ký kết để trở thành nhà cung cấp gạo cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu gạo vào thị trường Nhật là chuyện khó. Vượt qua rào kiểm định với gần 600 chỉ tiêu về chất lượng là một thử thách lớn liên tiếp ngay theo sau. Tuy nhiên, đây chính là thước đo để một lần nữa khẳng định hướng đi đúng của cả chuỗi hoạt động sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Huỳnh Thế Năng, khẳng định: Lựa chọn công nghệ cho từng sản phẩm là điều mà chúng tôi đã và đang làm. Bên cạnh đó, quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị là điều mà chúng tôi chú trọng. ứng dụng những tiêu chuẩn mà thị trường cần gắn với truy xuất nguồn gốc. Ở cánh đồng lớn của An Giang đã làm được câu chuyện này và là tiền đề để truy xuất nguồn gốc. Điều này đã vượt qua tập quán Châu Á tức là cuốn sổ tay ghi chép của người nông dân được xác lập. Qua đó tạo ra giá trị bằng quản lý.

Sau thương vụ Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang xuất bán 306 tấn gạo cho đối tác Marubeni; gạo trắng 30.000 tấn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã đạt tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối xuất sang Nhật Bản thì một lần nữa cho thấy triển vọng nâng cao thương hiệu của lúa gạo Việt trên toàn thế giới.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang nêu rõ, doanh nghiệp rất tâm đắc về giá trị của sản phẩm sạch. Lô hàng gạo đầu tiên giao cho nhà thương mại Marubeni (Nhật Bản) là kết quả bước đầu của cả một quá trình dài. Đó là quá trình doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tham gia toàn bộ chuỗi sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp.

“Chúng tôi nghiên cứu các giải pháp sâu cho cây lúa theo chuỗi giá trị liên hoàn và khép kín từ giống cho đến vùng canh tác, các giải pháp bảo vệ cây trồng. Chúng tôi sẽ cùng người nông dân giám sát việc thực thi các quy trình này để đảm bảo rằng có thể truy suất nguồn gốc. Công bố thương hiệu lúa gạo, nâng cao giá trị thương hiệu lúa gạo Việt Nam”- ông Thòn nhấn mạnh.

Như vậy, có thể nói, sau chuyến hàng xuất thành công sang Nhật lần này, thương hiệu gạo Việt Nam càng được khẳng định, được nhiều nước trên thế giới biết đến và chấp nhận. Và trong năm mới 2013 này, Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng đối với thị trường Nhật Bản, yêu cầu rất khắt khe với trên 530 tiêu chuẩn. Vì thế những chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo cần được các doanh nghiệp tính toán thật kỹ lưỡng. Nếu đảm bảo được những yêu cầu của Nhật Bản thì riêng thị trường này đã có thể nhập khẩu khoảng 200.000 tấn gạo thơm mỗi năm, mang về rất nhiều lợi nhuận.

Nguồn VOV.VN