Tổng quan bức tranh kinh tế của tỉnh

(NTO) Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Mặc dù nền kinh tế của tỉnh tiếp tục chịu nhiều tác động bất lợi do những khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhất là trong nước, không những vậy, nội lực nền kinh tế của tỉnh còn chưa đủ mạnh để có thể vững chãi vượt qua các cản ngại…Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của các thành phần kinh tế và sự đồng thuận của nhân dân, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 
Du khách đến với vịnh Vĩnh Hy thăm thú biển xanh và thưởng ngoạn rạn san hô.
Ảnh: Duy Long

Vượt khó để tăng trưởng

Có thể nói, trong năm 2012 do dự báo trước những khó khăn của nền kinh tế tỉnh nhà, từ đó bám sát chỉ đạo của Trung ương, đồng thời đã có những điều hành quan trọng như thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới…Trong tổng số 20 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, đến cuối năm đã có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng 10,3%.

Góp phần quan trọng vào chỉ số tăng trưởng nêu trên, "đầu bảng" phải đề cập đến là ngành Nông nghiệp và PTNT với giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 2.839 tỷ đồng, tăng 6%, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 4,7%, thủy sản tăng 7,2%, chiếm 39,3% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Điều cũng đáng quan tâm là về lĩnh vực trồng trọt ngoài yếu tố thuận lợi về thời tiết, tỉnh ta đã đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi mới hoàn thành như hồ Lanh Ra ,đồng thời khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi... để mở rộng diện tích đất sản xuất. Dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ; cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực; giá cả tiêu thụ nông sản được thuận lợi; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả tiếp tục được nhân rộng; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai kịp thời. Theo đánh giá chung, năm 2012 nông nghiệp tỉnh ta ”được mùa” cả trên 3 yếu tố: quy mô sản xuất, năng suất và hiệu quả.

Sản xuất thủy sản trong năm nhờ thời tiết và ngư trường tương đối thuận lợi, phương tiện đánh bắt tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, nên sản lượng khai thác cả năm tăng khá, ước đạt 63.685 tấn, tăng 13,6%; sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả, sản lượng ước đạt 15,8 tỷ con, vượt 17% kế hoạch năm và tăng 23,2% so với cùng kỳ...

 
Chế biến đá granite xuất khẩu tại công ty TNHH TM Tân Sơn Hoa Cương xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải .
Ảnh: Duy Anh

Đối với ngành Công nghiệp, trong năm giá trị sản xuất đạt trên 1.880 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Thực tế cho thấy, ngoài một số sản phẩm công nghiệp chế biến như tôm đông lạnh, chế biến hải sản khô, đường RS... tăng khá nhờ phát huy năng lực sản xuất mới và chủ động được nguồn nguyên liệu thì vẫn còn không ít doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp sản xuất một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và có khả năng tạo tăng trưởng cao cho ngành lại khá ”vất vả” do khó khăn về nguyên liệu "đầu vào" và thị trường tiêu thụ. Mặt khác, do năng lực sản xuất mới tăng thêm chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra nên cũng góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn ngành.

Tạo nên mảng màu sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh còn có sự khởi sắc của các ngành Dịch vụ. Năm qua, toàn ngành đã đạt giá trị sản xuất gần 2.130 tỷ đồng, vượt 5,3% kế hoạch năm, tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước, chiếm 38,4% trong cơ cấu kinh tế (vượt 3,4% kế hoạch). Theo đó, nổi bật trong năm phải kể đến hoạt động thương mại. Ngoài việc tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường, Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có nhiều chuyển biến, nhất là chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn” tiếp tục đẩy mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Hoạt động du lịch có sôi động hơn, thông qua việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao và các hội nghị, hội thảo quốc gia được tổ chức trên địa bàn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch, kích cầu giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp khai thác tốt hơn các tour du lịch, nổi bật là đã khai thác một số tour khách nước ngoài dài ngày của các nước Nga, Nhật... Trong năm đã thu hút trên 950 ngàn lượt du khách, tăng 16% so cùng kỳ.

 
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ mùa 2012. Ảnh: Văn Miên

Với vai trò là ”bà đỡ” của nền kinh tế, trong năm các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 13 của Chính phủ. Tính đến cuối năm, tổng dư nợ cho vay ước đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 18% kế hoạch.

Về đầu tư phát triển, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 7.195 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 2.295 tỷ đồng, vốn các thành phần kinh tế và dân cư ước đạt 4.900 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn nói trên đã đầu tư cho các công trình phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh, trên phương diện tổng thể cho thấy kinh tế của tỉnh chưa thực sự khởi sắc như mong đợi. Tốc độ tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm; một bộ phận doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thị trường; một số dự án đầu tư có qui mô lớn của các thành phần kinh tế lĩnh vực công nghiệp, du lịch tiến độ triển khai chậm... Tuy vẫn còn đó những khó khăn nhưng bằng những kết quả mà tỉnh ta đã nỗ lực đạt được trong năm qua sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển vững chắc hơn, với chất lượng tăng trưởng tốt hơn trong những năm tới.

Quyết liệt cho năm bản lề 2013

Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Đây cũng là năm theo dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế của tỉnh.

 
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opMart Thanh Hà.
Ảnh: Duy Long

Với mục tiêu tỉnh ta xác định cho năm 2013, đó là: Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế nhằm tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2013 và các năm tiếp theo, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 12% đến13%, GDP bình quân đầu người đạt 23,1 triệu đồng, giá trị gia tăng các ngành: Nông, lâm nghiệp tăng 4-5%, thuỷ sản tăng 5-6%, công nghiệp-xây dựng tăng 19-20%, dịch vụ tăng 14-15%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 1.337 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.660 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2012. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế cần tập trung thực hiện là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nội bộ ngành theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh để nâng cao hiệu quả... Qua đó, tỉnh ta đã đề ra một số giải pháp quyết liệt để thực hiện:

Một là, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trước hết tập trung huy động tốt nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư-kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước: Tiếp tục kiện toàn các cơ quan nhà nước, nhất là chính quyền cơ sở; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trong đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; nâng cao hơn nữa tính chủ động trong tham mưu đề xuất; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Ba là, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, cập nhật thông tin về diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để nâng cao hơn nữa chất lượng phân tích dự báo; tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc thù, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.

Bốn là, Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác đã được ký kết với các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ và 9 tỉnh miền Trung, rà soát và có kế hoạch tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác đầu tư với các Tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm điều hành, cộng với quyết tâm và đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân, tin rằng bức tranh kinh tế của tỉnh sẽ được tô điểm thêm nhiều mãng màu tươi sáng trong năm 2013 này.