Chủ động các giải pháp đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ đông - xuân

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 20 hồ chứa nước vừa và nhỏ (trong đó có 4 hồ mới đưa vào sử dụng gồm: Sông Biêu, Lanh Ra, Phước Trung và Bà Râu), với tổng dung tích chứa 192,20 triệu m3, đảm bảo đủ tưới cho 16.437 ha và 2 hệ thống đập dâng, đảm nhận nhiệm vụ tưới cho 15.800 ha đất canh tác nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm.

Tuy nhiên, do năm 2012 thời tiết diễn biến bất thường, tình hình khô hạn kéo dài nhiều tháng làm nguồn nước ở các hồ chứa bị cạn kiệt. Tính đến giữa tháng 1-2013, tổng dung tích nước ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 83,41 triệu m3. Trong đó, một số hồ lớn chủ lực như: Tân Giang chỉ đạt 6,68 triệu m3, đạt 49,89 % dung tích thiết kế; Sông Trâu 14,78 triệu m3, đạt 46,88% dung tích thiết kế; Sông Sắt 40,65 triệu m3, đạt 58,63% dung tích thiết kế... Căn cứ nguồn nước hiện có, ngành Nông nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất trong năm 2013 với tổng diện tích 64.552 ha. Trong đó, riêng vụ đông – xuân 22.993 ha, chiếm 35,62% kế hoạch năm.

Hồ thủy lợi Sông Trâu.

Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi cho biết: Để đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông – xuân 2012 - 2013, ngay từ cuối mùa mưa năm 2012, đơn vị đã chủ động tích nước các hồ chứa trong toàn hệ thống theo quy trình. Đồng thời tận dụng lượng nước hồi quy và sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để giữ nguồn nước. Cùng với đó, đơn vị đã chỉ đạo Trạm Thủy nông các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương thực hiện việc rà soát lại diện tích để thống nhất tạm ngừng sản xuất đối với một số vùng, nhằm bảo đảm nguồn nước tưới hợp lý, tránh gây thiệt hại cho bà con.

Theo phương án điều tiết nước của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, về cơ bản sẽ áp dụng hai phương án, đó là đối với hệ thống các hồ chứa sẽ duy trì biện pháp điều tiết tưới luân phiên (cấp nước theo từng phiên nước) phù hợp với lịch gieo trồng để giảm lượng nước bốc hơi mặt ruộng và tận dụng nguồn nước các hệ thống thủy lợi nhỏ nội đồng nhằm tiết kiệm nguồn nước hồ chứa; đối với hệ thống các đập dâng Nha Trinh, Lâm Cấm và Sông Pha sẽ áp dụng biện pháp tưới đồng thời (cấp nước liên tục thường xuyên) trên toàn hệ thống khi tiến hành gieo sạ và giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng, nhằm ổn định nguồn nước cung cấp cho nông dân sản xuất. Cùng với đó, Công ty còn đề nghị các địa phương: Thuận Nam, Ninh Hải và Thuận Bắc khuyến cáo bà con có diện diện tích hưởng lợi nguồn nước tưới từ các hồ: Tân Giang, Thành Sơn, Bà Râu và Sông Trâu hạn chế việc gieo trồng tự phát ngoài kế hoạch, để ổn định nguồn nước tưới. Phối hợp với Chi cục Thủy lợi kiểm tra các công trình hồ chứa, sông suối theo đề nghị của Trạm thủy nông các huyện, thành phố để dự kiến các điểm đào ao chứa nước, nếu xuất hiện hạn hán thì sẽ tiến hành đào ao lấy nước tưới.

Nông dân xã Công Hải chăm sóc lúa vụ đông xuân chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Sông Trâu.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài các giải pháp chính nêu trên, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi còn áp dụng phương án dự phòng, đó là trong trường hợp khi nguồn nước Đa Nhim cấp cho hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm giảm còn trên dưới 10 m3/s (lượng xả hiện nay từ 17-18 m3/s), sẽ tiến hành điều tiết tăng cường lượng nước từ các hồ Sông Sắt, Trà Co và Cho Mo bổ sung vào kênh tưới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Nếu trường hợp việc điều tiết nước tăng cường từ các hồ về hỗ trợ cho hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm vẫn chưa đảm bảo cho cao trình tưới tự chảy, thì chuyển sang hình thức tưới luân phiên trên các đập dâng và chuẩn bị máy bơm công suất lớn để bơm vào kênh tưới nếu như lượng trước đập xuống quá thấp. Khi kết thúc sản xuất vụ đông – xuân, dự kiến từ 15 đến 30-4-2013, Công ty sẽ tiến hành đóng nước để nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương theo định kỳ. Theo đó, đối với hệ thống các hồ chứa: Sông Sắt (Bác Ái), Sông Trâu (Thuận Bắc) sẽ đóng nước từ 15 đến 30-4. Các kênh mương lấy nước từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm và Sông Pha gồm: Kênh Nam, kênh Chàm, kênh Nam 2 (đi qua huyện Ninh Phước); kênh Bắc (đi qua Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Hải); kênh dẫn Lâm Cấm, Tấn Tài, Tân Hội (Phan Rang – Tháp Chàm) và kênh Tây, kênh Đông thuộc hệ thống Sông Pha (Ninh Sơn) tất cả đều sẽ đóng nước từ 15 đến 30-4. Riêng hệ thống hồ chứa Tân Giang (huyện Thuận Nam) và một số hồ nhỏ khác do đặc thù khu tưới còn xen canh, do đó lịch đóng nước sẽ được thống nhất riêng với các địa phương.