Phối hợp xây dựng chính sách trợ cấp xã hội cho người học

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục.

Theo đó, thay vì quy định "Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về trợ cấp xã hội cho người học", Nghị định 07/2013/NĐ-CP mới quy định "Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chính sách trợ cấp xã hội cho người học.

Mới đây, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, trong đó quy định trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên với mức bằng 50% mức lương tối thiểu hiện hành và cấp đủ 12 tháng trong năm.

Dự thảo đề xuất 7 đối tượng học sinh, sinh viên hưởng trợ cấp xã hội gồm: 1- Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đang sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 2- Học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại vùng cao, miền núi, vùng sâu và hải đảo; 3- Học sinh, sinh viên mồ côi không nơi nương tựa; 4- Học sinh, sinh viên khuyết tật có khó khăn về kinh tế; 5- Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học tập; 6- Học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo chế độ hợp đồng mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên; 7- Học sinh, sinh viên con gia đình thuộc diện hộ nghèo theo quy định chung của nhà nước.

Nguồn Chinhphu.vn