Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ để hội nhập quốc tế

Kéo dài tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ tạo thêm nguồn lực lao động để bù đắp cho những ngành nghề nặng nhọc

Chương trình phát triển LHQ đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giới tại Hội nghị thường niên của Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, diễn ra sáng 14/12, tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.

Báo cáo của Chương trình phát triển lHQ nêu rõ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới như: tỷ lệ tử vong bà mẹ thấp, trình độ học vấn của nữ giới cao, tỷ lệ lao động nữ thuộc hàng cao nhất thế giới và ngày càng có nhiều đại biểu nữ được bầu vào các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Đạt được thành tựu này là nhờ Việt Nam có nền tảng tốt đảm bảo nữ quyền cho các lãnh đạo nữ, đó là hệ thống pháp lý mạnh mẽ, có Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức xã hội chuyên trách về bình đẳng giới và tích cực tham gia các hiệp ước quốc tế về bình đẳng giới.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật về bình đẳng giới, chúng ta cần tiếp tục duy trì mạng lưới các nữ lãnh đạo đã được thành lập, vận động sự tham gia và ủng hộ của nam giới nhiều hơn nữa để công tác này không chỉ là vấn đề giới hạn trong phạm vi của một đơn vị, cơ quan hay cá nhân cụ thể, mà trở thành một vấn đề chung của mọi người và mọi cơ quan tổ chức".

Giám đốc khu vực của Microsoft, nguyên Hiệu phó Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, bà Astrid Tuminez đưa ra những ví dụ rất cụ thể về vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong phát triển kinh tế và hoạch định chính sách. “Nếu chúng ta nhìn vào khu vực Đông Á, những con hổ kinh tế như Singapore, Hàn Quốc, Hongkong… giai đoạn phát triển nở rộ một cách thần kỳ của họ trùng khớp với thời điểm những nền kinh tế này bùng nổ số lượng lao động và lãnh đạo là nữ giới. Muốn được như vậy, chúng ta phải đảm bảo con đường đi đến thành công và vị trí lãnh đạo của họ được rộng mở. Một ví dụ nhỏ là ở Mỹ, nhiều cơ quan tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ bằng cách chuyển họ sang làm công tác tập huấn hoặc các công việc nhẹ nhàng khác để có thời gian chăm sóc con cái. Và khi ổn định hơn, họ có thể tiếp tục quay trở lại vị trí nắm quyền của mình”.

Thực tế cho thấy mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đang đi đôi với việc giải quyết bài toán lao động việc làm cho cả 2 giới, đặc biệt là thúc đẩy vai trò của lao động và lãnh đạo nữ. Tại Hội nghị, Giáo sư - Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chi ra rằng, kéo dài tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ tạo thêm nguồn lực lao động để bù đắp cho những ngành nghề nặng nhọc mà cả lao động nam và nữ đều nên được nghỉ hưu sớm. 

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể của Ban Dân vận trung ương, Tiến sỹ xã hội học Võ Thị Mai, kéo dài tuổi nghỉ hưu của nữ lao động không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà chính là cơ sở để phụ nữ phấn đấu vào những địa vị cao hơn trong xã hội.

“Nếu tuổi nghỉ hưu của phụ nữ bằng với nam giới thì đào tạo nguồn cán bộ cấp cao sắp tới sẽ có đông đảo phụ nữ vào cuộc. Còn nếu chưa giải quyết được bài toán về hưu thì nói chung các đào tạo qui hoạch, bổ nhiệm cho nữ sẽ thấp và ít, như vậy phụ nữ sẽ càng có ít cơ hội được tham gia vào các lĩnh vực có tính ra quyết định, đặc biệt là lĩnh vực chính trị.”- Bà Mai nói.

Với những đề xuất và khuyến nghị này, các đại biểu hy vọng có thể đưa ra những cách tiếp cận mới, đổi mới cách thức và biện pháp để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nhằm tạo ra những đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực nữ giới, đặc biệt là các nữ lãnh đạo của Việt Nam trong tương lai./.

Nguồn VOV online