2.025 tỷ đồng trợ giúp người khuyết tật

Ngày 13-12, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức UNICEF và CRS tổ chức hội nghị triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và thực hiện nhiều chính sách chăm lo, giúp đỡ về mọi mặt cho người khuyết tật (NKT), bảo đảm cho họ được thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng và cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, để nhiều NKT được đảm bảo đầy đủ hơn, cần phải nâng cao hệ thống pháp luật và hoàn thiện các chính sách. Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội.

 
Quang cảnh hội nghị

Đề án 1019 có tổng kinh phí dự kiến là 2.025 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 – 2020 với các hoạt động chủ yếu là can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT; trợ giúp NKT tiếp cận giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông; trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát đánh giá.

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương sớm có thông tư hướng dẫn việc xác định, đánh giá mức độ khuyết tật của NKT ở địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ sớm ban hành số liệu tổng điều tra về NKT trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương để mỗi địa phương căn cứ vào đó triển khai thực hiện mục tiêu của Đề án.

Theo thống kê đến cuối năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu NKT với khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó, có hơn 5 triệu người sống ở nông thôn. Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 – 2010 được tổ chức trên phạm vi cả nước đã đạt kết quả khả quan nhưng nhìn chung hiệu quả chưa cao, tính bền vững còn hạn chế; nhiều NKT vẫn chưa được hưởng hoặc hưởng rất ít chính sách, chế độ trợ giúp của Nhà nước.

Vì vậy, trong Đề án 1019, bên cạnh mục tiêu chung còn đặt ra 9 nhóm chỉ tiêu cụ thể như: giai đoạn 2012- 2015 có 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; đến năm 2020, 90% số NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, 90% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, 70.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng…
Nguồn Phunu online