Sự lan tỏa của Chương trình “Cứu trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh”

(NTO) Chương trình “Cứu trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh” do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phát động từ năm 2008 với mong muốn là chiếc cầu nối giữa các tổ chức cá nhân, những tấm lòng hảo tâm với gia đình nghèo có trẻ em không may mắc bệnh tim bẩm sinh.

Sau gần 4 năm phát động, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của hơn 500 cơ quan, đơn vị và nhiều cá nhân. Đặc biệt, chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng giáo viên và học sinh trong các trường học. Nhiều em ở vùng quê còn khó khăn, vẫn không ngần ngại sẻ chia số tiền ít ỏi của mình để ủng hộ các bạn nghèo bị bệnh tim bẩm sinh.

Cháu Ngư Thị Tuyết Lê, con anh Ngư Văn Huynh ở thôn Tuấn Tú,
xã An Hải, Ninh Phước được hỗ trợ mổ tim miễn phí.

Năm học 2011-2012, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã nhận được gần 193 triệu đồng, của 182 trường học trong tỉnh ủng hộ chương trình “Cứu trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh”. Điều đáng nói là rất nhiều trường dù đóng ở địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, học sinh của trường hầu hết đều là con em lao động nghèo nhưng lại hưởng ứng phong trào rất sôi nổi. Trường Tiểu học Lạc Nghiệp, xã Cà Nà (Thuận Nam), trong gần 4 năm qua đã ủng hộ trên 25 triệu đồng cho chương trình.

Thầy Phùng Văn Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Riêng năm học 2011-2012, toàn trường có gần 1.500 học sinh và 58 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã đóng góp được hơn 8,5 triệu đồng. Với tinh thần “góp gió thành bão”, 100% cán bộ, giáo viên của trường đều tự nguyện ủng hộ từ nửa ngày lương trở lên. Các em học sinh dành dụm những khoản tiền nhỏ từ mua đồ chơi, ăn sáng… để đóng góp cho chương trình”.

Trường TH Đài Sơn, TP. Phan Rang – Tháp Chàm cũng là một trong những đơn vị thực hiện ủng hộ Chương trình “Cứu trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh” trong năm 2011-2012 một cách nhiệt tình. Ngay sau khi chương trình được phát động, 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên của nhà trường tình nguyện đóng góp 1 ngày lương cho chương trình. Riêng đối với học sinh, nhà trường kêu gọi sự đóng góp của các em trên tinh thần tự nguyện. Bởi, số tiền mà các em đóng góp được bao nhiêu không quan trọng, điều quan trọng nhất là qua chương trình để mỗi học sinh hiểu hơn về giá trị sống, biết cảm thông, chia sẻ khó khăn với những bạn bè không may mắn. Cô Nguyễn Thị Ái Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Cùng với việc phát động trong các giờ chào cờ toàn trường, trong các buổi sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng giúp học sinh của mình hiểu hơn về ý nghĩa của chương trình bằng việc kể cho các em nghe về những trường hợp trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh, về những khó khăn, thiệt thòi và nỗi đau mà các bạn nhỏ phải chịu nếu không được hỗ trợ chi phí để phẩu thuật…”

Không chỉ hưởng ứng tích cực, dành dụm những khoản tiền nhỏ của mình để ủng hộ cho các bạn nghèo không may mắc bệnh tim bệnh sinh, nhiều học sinh còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực, đứng ra kêu gọi, vận động bạn bè trong trường, trong lớp tham gia chương trình. Em Hà Kiều Phương Dung, học sinh lớp 910, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm là một trong những học sinh như thế. Với vai trò là lớp trưởng, cũng là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên Dung thấu hiểu được nỗi khổ của những bạn nghèo. Dung tâm sự, em thường xuyên theo dõi phóng sự về trường hợp của các bạn nghèo không may mắc bệnh tim bẩm sinh trên tivi, tìm hiểu thêm về những khó khăn, nguy cơ sức khỏe của những người mắc bệnh không được phẫu thuật.

Sau đó, Dung kể lại với các bạn trong lớp và kêu gọi các bạn tiết kiệm những khoản tiền nhỏ của mình, những khoản không cần thiết hoặc chi tiêu sai mục đích như: chơi game, ăn quà vặt… để ủng hộ Chương trình “Cứu trẻ em nghèo bệnh tim bẩm sinh”. Kết quả, năm học 2011-2012, lớp của Dung có 32 học sinh, quyên góp được gần 300.000 đồng để gửi cho chương trình. Nhờ có những cá nhân tích cực như Dung, tập thể giáo viên, học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã quyên góp được hơn 4,8 triệu đồng.

Một vài ngàn đồng do các em học sinh đóng góp chỉ như “hạt muối bỏ bể” đối với yêu cầu chi phí của một ca mổ tim. Tuy nhiên, chính từ những khoản tiền nhỏ bé đó đã tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ cho chương trình, để “góp gió thành bão” cho 220 trẻ em nghèo tỉnh ta được mổ tim bẩm sinh trong gần 4 năm qua. Hơn cả, chương trình còn mang đến cho các em học sinh những bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự sẻ chia và trân trọng cuộc sống.