Người tiêu dùng ưu tiên sử dụng trái cây nội địa

(NTO) Do có mẫu mã đẹp, giá lại rẻ nên có một thời gian dài trái cây Trung Quốc (TQ) rất được thị trường ưa chuộng và được bày bán nhiều tại các chợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây với việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu hoa quả TQ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến mặt hàng này không còn được ưa chuộng, thay vào đó người tiêu dùng chuyển sang sử dụng trái cây trong nước.

Tại các điểm bán trái cây trên địa bàn tỉnh, nhất là tại chợ Phan Rang, trái cây TQ như: lê, táo, nho... được bày bán quanh năm, bên cạnh đó do hiện đang vào mùa hồng, lựu nên mặt hàng này cũng được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung nhu cầu tiêu thụ không cao và đều đang trong cảnh ế ẩm “chợ chiều”. Bà Nguyễn Thị Trọng, tổ trưởng, tổ kinh doanh mặt hàng trái cây chợ Phan Rang cho biết: Nếu như trước đây, mỗi ngày vựa tôi bán được trên 3 tạ trái cây các loại, trong đó có 80% là trái cây TQ thì thời gian gần đây trái cây TQ không mấy người hỏi mua, cả tuần nay không bán hết nổi 2 tạ.

Người tiêu dùng lựa chọn mua trái cây nội địa tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh:Sơn Ngọc

Bà Trọng cho biết thêm: Trái cây TQ chỉ được chọn mua khi bày biện lễ cho đẹp mắt chứ chọn ăn thì không còn được chuộng nữa, thành thử người kinh doanh mặt hàng này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn; không ít vựa phải chuyển hướng sang bán trái cây trong nước hoặc có xuất xứ từ Mỹ, Thái, Úc...

Thực tế tại nhiều nơi, để bán được hàng, được giá, không ít chủ vựa bán trái cây TQ thường dán nhãn lừa người tiêu dùng đây là trái cây trong nước hoặc của các nước khác. Bởi người mua chỉ “tẩy chay” đối với những loại trái cây dễ nhận biết có nguồn gốc từ TQ được bán quanh năm như táo bột, lê, dưa vàng, còn những loại trái cây được gắn nhãn mác cao cấp như Fuji Australia, nho Mỹ thì người tiêu dùng vẫn không thể nhận biết được. Chưa kể hiện nay, một số loại trái cây đặc sản của Châu Âu, Châu Úc đều có thể trồng được ở TQ như Kiwi, lê... Đơn cử như nho TQ được gắn mác là nho Mỹ. Hay quýt, táo, cam, nho có xuất xứ từ TQ đều có thể “biến” thành trái cây nội.

Bà Hoàng Thị Lan, Trưởng Ban quản lý chợ Phan Rang cho biết: Để quản lý kinh doanh mặt hàng này, không gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng theo đúng quy định của Nhà nước, BQL chợ đã đề nghị các tiểu thương kinh doanh mặt hàng trái cây ngoại nhập phải xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc nhập khẩu hợp lệ. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền để người bán lẫn người mua nâng cao ý thức trong việc lựa chọn mặt hàng sao cho đảm bảo chất lượng và VSATTP.

Theo kinh nghiệm của nhiều người cũng như khuyến cáo của ngành chức năng, hầu hết các loại trái cây nhập khẩu đều có chất bảo quản để giữ thời gian dài trong quá trình vận chuyển. Tốt nhất, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon... Để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút sau đó gọt hoặc bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ.