Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở

Tiếp tục phiên làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Hòa giải cơ sở.

Hầu hết các đại biểu trong phần thảo luận đều khẳng định, cần thiết phải ban hành Luật Hòa giải cơ sở. Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng, ban hành Luật Hòa giải cơ sở nhằm giúp các bên tự giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng họ và cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giảm bớt khiếu kiện, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giữ gìn trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nhận định, việc ban hành Luật Hòa giải cơ sở thể hiện tính kế thừa và tiếp tục khẳng định tính pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải cơ sở phát huy hiệu quả, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa…

Xã hội hóa hòa giải cơ sở là hướng đi đúng

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ, thống nhất, nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở với mục tiêu không hành chính hóa, tăng cường xã hội hóa, qua đó giữ gìn đoàn kết cộng đồng, đảm bảo trật tự an ninh xã hội trong cộng đồng dân cư.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), quan điểm của Luật là không hành chính hóa mà xã hội hóa các hoạt động hòa giải cơ sở nhưng thực tế trong Luật có nhiều nội dung hành chính hóa. Do đó, cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn về tổ hòa giải và các hòa giải khác để tạo tính đồng bộ, thu hút và phát huy hết sức mạnh của hoạt động hòa giải cơ sở; nêu bật được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hoạt động này.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) bày tỏ sự đồng tình với nội dung giữ nguyên mô hình tổ hòa giải cơ sở đã được thừa nhận là phù hợp và hiệu quả trong 13 năm triển khai hoạt động; với mô hình ban hòa giải cấp xã, đại biểu cho rằng mô hình này mang tính chất hành chính, không dựa trên cơ sở tự nguyện, không phù hợp với tính chất hòa giải. Theo đại biểu, cần lựa chọn hòa giải vừa đơn giản thủ tục hành chính vừa tận dụng, phát huy sức mạnh của tổ chức đoàn thể, huy động được sức mạnh cộng đồng tham gia vào hoạt động hòa giải cơ sở.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Lưu Thị Huyền phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cho rằng, hòa giải cơ sở là một số hoạt động bổ trợ tư pháp và việc xã hội hóa tự nguyện hòa giải cơ sở là một hướng đi đúng, vừa thể hiện Nhà nước không can thiệp sâu nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho hay, hòa giải cơ sở là một đặc thù của Việt Nam, xuất phát từ truyền thống hòa hiếu của dân tộc, tính cộng đồng cao… nhưng cũng cần lưu ý việc lợi dụng hòa giải trốn tránh trách nhiệm hành chính, hình sự và các tập tục lạc hậu “lên ngôi”. Do đó, đại biểu này kiến nghị cần quy định cụ thể phạm vi hòa giải để vừa phát huy được ý nghĩa nhân văn của hòa giải cơ sở, vừa đảm bảo hiệu quả thực thi của các chính sách pháp luật.

Chính sách xã hội hóa hòa giải là định hướng đúng đắn và thực tế cũng chứng minh việc làm này có hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần khẳng định rõ ràng về vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, khuyến khích những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia các hình thức hòa giải khác của nhân dân…; đồng thời, cũng phải lưu ý lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong quy định của Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng, quy định số lượng thành phần hòa giải viên có bao nhiêu nữ... không quan trọng bằng chất lượng của các hòa giải viên. Tuy nhiên, với việc quy định lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong Luật Hòa giải cơ sở là cần thiết và đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Hòa giải viên phải hiểu biết pháp luật, có đạo đức, uy tín và trách nhiệm

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với tiêu chuẩn hòa giải viên phải có hiểu biết pháp luật nhưng cũng nhất trí rằng, không phải dễ dàng để thực hiện được tiêu chuẩn này; do đó, cần linh hoạt trong tiêu chí, tiêu chuẩn hòa giải viên, cơ bản vẫn phải dựa vào sự am hiểu đời sống nhân dân địa phương, lấy uy tín, khả năng thuyết phục của các hòa giải viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị bỏ tiêu chuẩn hòa giải viên phải “am hiểu pháp luật” bởi hòa giải là một nghệ thuật, có lý có tình, thuyết phục dàn xếp, không phải phán xét, xét xử… Hòa giải viên không chỉ đơn thuần là thuyết phục, vận động mà còn phải vận dụng nhiều kinh nghiệm khác (uy tín, kỹ năng vận động, thuyết phục, tự nguyện…) để hòa giải thành công. Thêm nữa, như lý giải của đại biểu Kim Thúy, khó xác định mức độ am hiểu pháp luật như thế nào và nếu đòi hỏi tiêu chuẩn này thì cũng khó thu hút người tham gia vào công tác hòa giải cơ sở.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), hòa giải viên chỉ cần đáp ứng được 2 tiêu chuẩn là có phẩm chất đạo đức, uy tín; có khả năng vận động, tự nguyện, nhiệt tình, có hiểu biết pháp luật. Đồng thời, đại biểu này cũng kiến nghị nên có bồi dưỡng định kỳ động viên các hòa giải viên chứ không nhất thiết phải quy định rõ về khoản thù lao.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đề xuất không nên quy định hòa giải viên có hiểu biết pháp luật vì chất lượng hòa giải phụ thuộc uy tín và khả năng thuyết phục của hòa giải viên, hoạt động hòa giải nghiêng về tình. Vì thế, nếu quy định hiểu biết pháp luật thì khó xác định các nội dung liên quan. Do đó, cần linh hoạt, không cần đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để phát huy tối đa lực lượng tham gia hoạt động hòa giải cơ sở. Đại biểu Hồ Thị Thủy đồng tình với việc người dân được quyền bầu hòa giải viên, nhưng cần đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo người dân có quyền lựa chọn, quyết định công khai, dân chủ về hòa giải viên.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) khẳng định, tiêu chí hòa giải viên phải am hiểu pháp luật là cần thiết nhưng thực tế, đây cũng không phải là yếu tố quyết định bởi uy tín, khả năng, vận động thuyết phục của hòa giải viên mới là những yếu tố cần thiết đã được chứng thực là nguyên nhân chủ yếu của hòa giải thành công. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân cho rằng, nên linh hoạt giữa bầu và lựa chọn hòa giải viên, chọn là phương án khả thi nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) phân tích, người làm công tác hòa giải có hiểu biết pháp luật là tốt và cần thiết, nhưng khó thực hiện tại từng khu vực cụ thể. Thực tiễn cho thấy, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản, có uy tín… luôn thành công trong hòa giải; do đó, cần có hướng mở trong tiêu chuẩn hòa giải viên phù hợp từng vùng, miền, địa phương và Nhà nước có chính sách tạo điều kiện hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, trách nhiệm, kỹ năng hòa giải.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) khẳng định, hòa giải viên phải có hiểu biết pháp luật vì như thế sẽ hỗ trợ chắc chắn trong công tác hòa giải, đồng thời sẽ giúp các hòa giải viên thực hiện tốt chức năng là tuyên truyền viên giáo dục phổ biến pháp luật. Đại biểu này đề nghị, với những trường hợp hòa giải viên ở các vùng sâu, vùng xa… chưa kiện toàn về nội dung tiêu chuẩn này thì Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã phải có trách nhiệm bồi dưỡng họ đáp ứng được tiêu chuẩn đó.

Xem xét quy định về trả thù lao và lựa chọn hòa giải viên

Phân tích về quy định hòa giải viên được hưởng khoản tiền thù lao khi tham gia hoạt động hòa giải, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, đây là một nét mới động viên hòa giải viên nhưng cũng dễ gây ra gánh nặng cho ngân sách và dễ bị lợi dụng; do đó, chỉ cần quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí tập huấn (tài liệu, tổ chức lớp), sơ kết, tổng kết khen thưởng hòa giải viên…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, hòa giải cơ sở là hoạt động tự quản của nhân dân, là hình thức thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, hoàn toàn có tính chất tự nguyện, không vì lợi ích vật chất mà vì lợi ích chung của cộng đồng. Theo đại biểu, không nên đặt chế độ thù lao cho hòa giải viên vì dễ làm mất bản chất tốt đẹp của hòa giải viên cũng như làm cho các bên tranh chấp dễ hiểu nhầm về việc làm của hòa giải viên…, bởi mục đích cuối cùng của các hòa giải viên là tự nguyện góp sức vào công cuộc giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư chứ không phải vì khoản tiền bồi dưỡng, thù lao.

Nhiều đại biểu cho rằng, hòa giải viên là những người có đóng góp thầm lặng vì sự nghiệp chung, vì cộng đồng; do đó, cần quy định về chính sách hỗ trợ, động viên và ghi nhận đóng góp của hòa giải viên.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, không nên quy định tiêu chuẩn hòa giải viên mà nên động viên, thuyết phục một số chức danh trong các tổ chức đoàn thể xã hội cơ sở tham gia hòa giải viên, vừa phát huy được vị trí, vai trò của chính những cán bộ cơ sở này, vừa giảm thiểu sự cồng kềnh trong bộ máy tổ chức.

Đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) đề nghị chọn phương án lựa chọn hòa giải viên, tận dụng lực lượng cán bộ cơ sở tại chính các khu dân cư, thôn, bản vì bản thân những người này cũng có đầy đủ tiêu chuẩn phẩm chất để tiến hành nhiệm vụ của hòa giải viên.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, hòa giải viên do nhân dân thực hiện giới thiệu bầu sẽ thể hiện dân chủ và người dân hoàn toàn tin cậy, đồng thời tăng trách nhiệm của hòa giải viên khi được bầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng, bầu hòa giải viên theo quy trình thể hiện tính dân chủ, tăng đồng thuận nhưng thực tế, hội nghị nhân dân bầu tổ trưởng, tổ phó khu dân cư cũng chỉ có 50% tham gia, do đó, nếu triển khai theo quy định của Luật về bầu hòa giải viên sẽ phiền hà, khó thực hiện. Vì vậy, nên cân nhắc phương án lựa chọn hòa giải viên rồi thông báo rộng rãi trong nhân dân.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam