Việt Nam - Liên bang Nga hợp tác đào tạo nhân lực ngành năng lượng nguyên tử

Sáng 21-11 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Đào tạo nhân lực ngành nguyên tử Việt Nam: Kinh nghiệm và triển vọng”. Đây là cơ hội tốt để các trường đại học và sinh viên Việt Nam tiếp cận nhiều hơn và trực tiếp với các trường đại học của Nga trong việc đào tạo nhân lực trên lĩnh vực quan trọng này.

Hội thảo “Đào tạo nhân lực ngành nguyên tử Việt Nam: Kinh nghiệm và triển vọng” là một trong những hoạt động quan trọng để triển khai thực hiện các văn bản hợp tác đã kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga cũng như giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam với Bộ Khoa học và Giáo dục LB Nga, Tập đoàn RosAtom trong việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành năng lượng nguyên tử cho Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo

Để triển khai đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Chính phủ phê duyệt, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác phía LB Nga triển khai thực hiện một số công việc: Lập các dự án chương trình đào tạo, dự án đầu tư để thực hiện từ năm 2013; Hoàn thành xây dựng Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để đưa vào hoạt động từ tháng 12/2012; cử 152 sinh viên sang học trình độ đại học tại LB Nga.

Riêng năm 2012, Bộ KH&GD LB Nga đã dành cho Việt Nam 70 chỉ tiêu học bổng diện hiệp định cho đào tạo ngành năng lượng nguyên tử, Trường ĐH Xây dựng Moscow đã dành 5 chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành xây dựng, Trường ĐH Năng lượng Moscow đã dành 4 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam.

Thay mặt Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Bùi Văn Ga ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được và mong muốn các tổ chức khoa học và các trường ĐH của LB Nga tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ các trường ĐH của Việt Nam, đặc biệt trong việc đào tạo nhân lực ngành năng lượng nguyên tử bởi LB Nga là đất nước có nền khoa học nghiên cứu và công nghệ hạt nhân phát triển mạnh.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Bộ GD&ĐT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để việc hợp tác giữa 2 bên đạt kết quả tốt nhất.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại