Thuận Bắc phát huy hiệu quả mô hình thu gom rác

(NTO) Các tuyến đường sạch đẹp, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi là hình ảnh dễ dàng nhận thấy khi đặt chân đến trung tâm huyện Thuận Bắc. Đây chính là hiệu quả mô hình thu gom rác mang lại mà cách đây 3 năm huyện đã triển khai.

Trước đây, người dân xã Bắc Phong cũng như địa phương khác đều ngán ngẩm nhìn những bao rác lớn, nhỏ, xác súc vật, bịch ni lông, …nằm vương vãi trên các tuyến quốc lộ 1A, đường liên thôn, liên xã, kênh Bắc... Giờ đây, mọi ngõ ngách của 3 thôn trong xã đều sạch đẹp. Anh Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Có được kết quả này, chính là nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân. Chi hội Phụ nữ các thôn đã thành lập các tổ thu gom rác tận nhà, vận động, thuyết phục và tham gia mô hình. Đến nay, có 80% số hộ tham gia đóng phí thu gom rác, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi.

 
 
Hàng ngày, người dân xã Lợi Hải mang rác đến chỗ tập kết.

Thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21-10-2009 của Ban Bí thư về “ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa X) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, năm 2010, huyện Thuận Bắc đã phối hợp với Công ty TNHH TM&SX Nam Thành tổ chức thu gom rác tại 3 xã: Bắc Sơn, Bắc Phong, Lợi Hải. Hằng ngày, vào khoảng 15- 16 giờ, bà con đưa rác đến địa điểm tập kết, xe rác sẽ đến thu gom chở về xử lý, với mức phí 8.000 đồng/tháng. Khi triển khai mô hình, người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, vì vậy dọc các tuyến đường và quanh các kênh mương không còn tình trạng vứt rác bừa bãi.

Hằng năm, UBND huyện đã phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho mô hình này, trong năm 2012, huyện đã chi 700 triệu đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó hỗ trợ cho các xã xe thu gom rác, xe rùa, thùng rác công cộng, cụ thể: xã Bắc Phong (10 xe rùa), Lợi Hải (8 xe), Công Hải (4 xe) Bắc Sơn (6 xe thu gom rác). Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ vận chuyển rác thải, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện về công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện đã có 4/6 xã thực hiện mô hình thu gom rác, đạt 66,7% kế hoạch theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện, nguồn thu từ nhân dân chiếm 14,5% tổng chi phí thu gom rác.

Việc thu gom rác không chỉ mang lại môi trường nông thôn trong sạch, lành mạnh, mà còn tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường. Qua đó, công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường được phát huy, giúp người dân, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với tác động môi trường do mình gây ra.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chia sẻ: Mô hình thu gom rác đang phát huy hiệu quả, vệ sinh môi trường được giữ gìn. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả tốt, huyện đã kết hợp các hình thức như: tìm hiểu, hội thi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tuyên dương gương điển hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường…Nhằm phát huy hiệu quả mô hình, huyện sẽ tăng cường đầu tư ngân sách thêm 10-20% cho công tác môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa về bảo vệ môi trường, kêu gọi cá nhân, tổ chức tham gia chung tay xây dựng môi trường theo Đề án “ Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” của UBND tỉnh và chương trình “ Hỗ trợ, nâng cao nhận thức và cải thiện môi trường cho nhân dân”.