Theo lời giới thiệu của anh Hán Văn Thanh, Trưởng Ban quản lý thôn Phú Nhuận, chúng tôi tìm gặp ông Đổng Hộ đang cho đàn nhím “ăn sáng”. Gia đình ông sinh sống trong ngôi nhà hai tầng lầu khang trang bậc nhất làng Phú Nhuận (Palay Pook Dăng, tiếng Chăm). Ít ai ngờ người nông dân được xếp vào diện tỉ phú đã từng là cậu bé đi chăn bò thuê suốt mười năm. Ông kể, hồi nhỏ gia đình ba mẹ tui quá nghèo nên phải đi ở đợ kiếm cơm ăn đến ngày gần cưới vợ mới trở về làng. Không cam chịu đói nghèo, sau khi lập gia đình, ông chăm chỉ làm ăn dành dụm vốn liếng quyết chí vươn lên làm giàu. Từ năm 1970, ông mua ba con bò nái giống khởi nghiệp chăn nuôi kết hợp với làm ruộng và gieo trồng hoa màu. Từ ba con bò nái chăm sóc tốt sinh sản hàng trăm con bò con. Ông bán bò xây nhà, nuôi con ăn học, mua máy cày. Thời điểm thịnh hành của nghề chăn nuôi, đàn gia súc của ông lên đến 100 con bò và 200 con dê. Hiện nay, ông còn 30 con bò và 150 con cừu chăn thả trên vùng Đèo Cậu và canh tác 3 ha đất màu, 2 ha ruộng lúa. Mỗi năm, ông có thu nhập trên 150 triệu đồng nuôi tám người con học đại học, cao đẳng. Trong đó có bảy người ra trường tìm được việc làm ổn định tại Ninh Thuận và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, ông tập trung nuôi cô con gái út là Đổng Thị Như Ý đang học năm thứ tư chuyên ngành bác sĩ đa khoa.
Ông Đổng Hộ nông dân tiêu biểu làng Chăm Phú Nhuận.
Tháng 6- 2011, ông Đổng Hộ đầu tư 30 triệu đồng xây cất chuồng trại rồi khăn gói vô huyện Củ Chi mua 6 con nhím cái và 2 con nhím đực giống với giá 7 triệu đồng/con đưa về nuôi tại Phú Nhuận. Ông là nông dân đầu tiên của huyện Ninh Phước đến cơ quan Kiểm Lâm làm thủ tục đăng ký nuôi động vật hoang dã. Qua 18 tháng sinh sống thích nghi trên “đồng đất” Ninh Phước, nhím nái sinh sản 5 con nhím con đạt trọng lượng 0,5 kg. Ông Hộ nói loài nhím rất dễ nuôi, ít bệnh tật, sau một năm tuổi có khả năng đạt trọng lượng 10 kg/con. Hàng ngày, ông cho nhím ăn bo bo và các loại củ quả mua ở chợ Phú Nhuận. Ông làm giàn trồng dưa Đài Loan cho trái nặng 2-3 kg cung cấp thức ăn cho đàn nhím. Giá thịt nhím thương phẩm trên thị trường 150- 200 ngàn đồng/kg, ông Hộ hy vọng nghề nuôi nhím cho hiệu quả kinh tế khá.
Nông dân Đổng Hộ chăm sóc đàn nhím nuôi tại gia đình.
“Thuở nhỏ, cha mẹ quá nghèo khổ nên tui ít được học hành. Nay nhờ ơn Đảng, Nhà nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho gia đình tui và đồng bào dân tộc Chăm vươn lên làm giàu chính đáng. Tui chăm lo nuôi dạy các cháu học hành có việc làm ổn định bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp”, pha ấm trà ngon thân tình mời khách, nông dân Đổng Hộ cười hiền lành bộc bạch.
Sơn Ngọc