Cần chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép

(NTO) Tình trạng xây dựng nhà ở, công trình trái phép, không phép trên địa bàn tỉnh ta vẫn thường xuyên diễn ra. Nhưng việc phát hiện, xử lý hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nổi cộm nhất của tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên địa bàn tỉnh là Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Không khó để nhận ra những ngôi nhà xây trái phép, không phép, bởi việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra từng ngày; nhiều ngôi nhà lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường độ, đường sắt và đê điều, lấn chiếm khoảng không gian công cộng vẫn ngang nhiên tồn tại.

 
Lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đường Hà Huy Tập.

Đơn cử như trường hợp khu đất được giao cho Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 71 (nay là Công ty TNHHMTV Quản lý và xây dựng công trình 71), tại lô số 1, đường Hà Huy Tập. Do công ty này không có nhu cầu sử dụng và đang trong quá trình làm thủ tục trả lại cho địa phương quản lý thì chỉ một thời gian ngắn, hàng chục ngôi nhà đã mọc lên san sát. Nhiều người nhận là cán bộ, công nhân viên công ty đã tự ý lấn đất xây tường bao, nhà kiên cố trên đất vốn biết không phải của mình và không được chính quyền cấp phép xây dựng. Nhưng đến khi bị phát hiện thì sự việc đã rồi, nhà đã xây xong, trong khi đó chính quyền và ngành chức năng không có giải pháp đủ mạnh để cưỡng chế, tháo dỡ.

Tại phường Mỹ Bình, nơi có nhiều dự án đã và đang được đầu tư xây dựng, tại đây người dân trong khu quy hoạch vẫn ngang nhiên xây dựng nhà ở kiên cố trên đất thuộc trong vùng quy hoạch, chờ giải tỏa. Theo biện minh của các hộ dân, do bức xúc về nhu cầu nhà ở, nhà cũ sập sệ nên phải xây dựng lại cho khang trang, khi nào nhà nước thực hiện dự án thì tháo dỡ di dời. Tuy nhiên, hệ lụy là khi thực hiện dự án, việc đền bù luôn gặp khó khăn do chính những căn nhà xây dựng “chui” này.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, qua tổ chức kiểm tra các công trình nhà ở đang thi công xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, đã phát hiện 41 trường hợp xây dựng nhà ở trái phép và 4 trường hợp không phép. Nếu tính xa hơn, từ năm 2009 đến nay thì số lượng công trình xây dựng vi phạm đang tăng lên theo từng năm. Cụ thể nếu như năm 2009, Đội Quản lý đô thị đã kiểm tra phát hiện có 46 trường hợp vi phạm, thì năm 2010 có 82 trường hợp, năm 2011 con số này là 172 trường hợp. Qua đó, đã lập biên bản xử lý hành chính vi phạm trong lĩnh vực đất đai 239 trường hợp, phạt tiền gần 3,6 tỷ đồng, đình chỉ thi công 92 trường hợp, có 25 trường hợp tự tháo dỡ. Theo chính quyền địa phương, đây chỉ là những trường hợp qua kiểm tra phát hiện được, còn thực tế việc xây dựng nhà ở, công trình trái phép, không phép diễn ra không phải khi nào cũng phát hiện và xử lý được. Chưa kể có nhiều trường hợp, nộp phạt xong lại tiếp tục xây dựng mà chính quyền sở tại vẫn chưa có biện pháp mạnh đình chỉ thi công, cưỡng chế.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, thì nguyên nhân của tình trạng xây dựng nhà ở trái phép vẫn là do ý thức của người dân còn hạn chế. Mặt khác nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng, trong khi đó điều kiện kinh tế và khả năng người dân chỉ mua được đất nông nghiệp để xây nhà, ngại phải đi làm các thủ tục hành chính. Một số quy hoạch, dự án kéo dài, chậm thi công nên một số hộ lợi dụng chính sách đền bù giải tỏa, xây dựng trái phép nhằm hưởng lợi. Có trường hợp lén lút xây vào những ngày nghỉ, ban đêm để qua mắt lực lượng chức năng. Mặt khác, địa bàn rộng, cán bộ chuyên trách cơ sở thiếu nên chưa bao quát hết địa bàn, sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng chưa thực sự đồng bộ; một số trường hợp xử lý nhưng chưa theo dõi, giải quyết dứt điểm.

Thiết nghĩ, nhằm chấn chỉnh tình trạng xây dựng nhà ở, công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh công tác quản lý. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn quán triệt tinh thần Nghị định số 180/CP-CP ngày 17-12-2007 của Chính phủ và Chỉ thị số 32/2008 của UBND tỉnh về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Các địa phương cần xây dựng quy trình, trình tự thủ tục cụ thể về việc xử lý các trường hợp vi phạm, kết hợp theo dõi đôn đốc và tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp nhằm kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm và giải quyết rốt ráo các vụ việc phức tạp. Mặt khác triển khai tốt các chương trình phát triển nhà ở, triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân, qua đó hạn chế tình trạng xây dựng tự phát ảnh hưởng đến công tác quản lý, quy hoạch. Việc quản lý xây dựng, quản lý trật tự đô thị cần phải quản lý từ gốc, từ cơ sở, có như vậy thì mới mong tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mới được chấn chỉnh.