Chính sách của Mỹ gây căng thẳng quốc tế về tiền tệ

Tờ "Thời báo Kinh doanh Quốc tế" của Mỹ ngày 25/9 cho biết, hiện nay dư luận trong và ngoài nước Mỹ đang lo ngại chính sách "nới lỏng số lượng" của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ, một tiến trình theo đó hàng tháng Mỹ sẽ bơm nhiều chục tỷ USD vào các thị trường tài chính, có thể gây nên căng thẳng quốc tế về giá trị tiền tệ.

Mỹ sẽ bơm nhiều chục tỷ USD vào các thị trường tài chính.

Một trong những hậu quả do hành động của FED gây nên là làm mất giá đồng USD, từ đó làm giảm ưu thế cạnh tranh của các cường quốc kinh tế khác trên thị trường thế giới.

Các nhà phân tích tại Mỹ cho rằng lý do chủ yếu buộc FED phải hành động là bơm thêm tiền mặt sẽ làm giảm lãi suất, khuyến khích đầu tư và dẫn đến tạo thêm nhiều việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng mới đây Trường Đại học Tổng hợp Duke tiến hành cuộc khảo sát các giám đốc tài chính của 887 công ty lớn tại Mỹ và nhận thấy giảm lãi suất hầu như không tác động đến quyết định của các công ty.

Theo kết quả khảo sát của Đại học Tổng hợp Duke: "Các giám đốc tài chính tin rằng hoạt động tiền tệ sẽ không nhiều hiệu quả. 91% các công ty khẳng định họ sẽ không thay đổi kế hoạch đầu tư, cho dù lãi suất giảm 1% và 84% công ty cho biết họ không thay đổi kế hoạch đầu tư nếu lãi suất giảm 2%". Nói cách khác, chừng nào Chính quyền thực sự quan tâm đến kinh tế, lúc đó các biện pháp của FED mới hiệu quả.

Thực tế, các giới tài chính hàng đầu ở Mỹ cũng thừa nhận như vậy. Phát biểu tại Câu lạc bộ Harvard của New York cuối tuần trước, Richard Fisher, một thành viên không có quyền biểu quyết của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang có nhiệm vụ đưa ra các quyết định chính sách mới nhất, cho biết FED đã đẩy con thuyền kinh tế Mỹ vào sâu các vùng nước không có đặc quyền. Thực tế, không có ai trong Ủy ban cũng như các nhân viên trong Hội đồng Thống đốc và 12 ngân hàng biết những gì đang cản trở nền kinh tế.

Tương tự, cựu Chủ tịch FED, Paul Volcker cho rằng giảm số lượng hơn nữa sẽ không có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế của Mỹ và châu Âu. Phát biểu tại một hội nghị ở Scotland cuối tuần qua, ông nói: "Hiện nay có quá nhiều tiền mặt trên thị trường, do đó tăng thêm tiền mặt sẽ không làm thay đổi nền kinh tế".

Sau quyết định mới nhất, theo đó FED cam kết mua các loại chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp với tổng số tiền 40 tỷ USD/tháng, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega nhắc lại những lời cảnh báo trước đó của ông về một cuộc chiến tranh tiền tệ. Trả lời cuộc phỏng vấn tờ "Thời báo Tài chính”, Bộ trưởng Mantega khẳng định quyết định áp dụng chính sách "nới lỏng số lượng" lần 3 của Mỹ là hành động của "chủ nghĩa bảo hộ" và có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các nền kinh tế còn lại trên thế giới.

Quyết định mới nhất của FED sẽ chỉ mang lại những lợi ích trước mắt. Mặc dù khối lượng USD sẽ tràn ngập nền kinh tế nhưng sẽ không được đưa vào sản xuất. Mục đích thực sự của các biện pháp đó nhằm làm mất giá đồng USD và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.

Bộ trưởng Mantega cho biết thêm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định can thiệp các thị trường tài chính bằng hình thức giảm số lượng theo cách riêng của Nhật Bản cũng là một dấu hiệu nữa của những căng thẳng trên toàn cầu. Bằng một giải pháp rõ ràng để giảm giá đồng yên và tăng xuất khẩu của Nhật Bản, BoJ quyết định bơm thêm 128 tỷ USD cho chương trình mua tài sản.

Tokyo cho biết, các tác động từ "những phát triển của thị trường tỷ giá và tài chính" là một trong những lý do buộc Nhật Bản hành động. Bằng chứng nữa về tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Nhật Bản được thể hiện qua các số liệu thương mại tháng 8/2012, trong đó xuất khẩu của Nhật Bản sang các thị trường Tây Âu giảm 28% so cùng kỳ cách đây một năm và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hết sức lo ngại trước những tác động từ quyết định của Fed. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyến công khai chỉ trích chương trình "nới lỏng số lượng" lần 3 của Mỹ. Ông khẳng định quyết định bơm thêm tín dụng giá rẻ sẽ không hiệu quả và các biện pháp này chỉ nên áp dụng đối với các khu vực cần thiết.

Hiện nay, Trung Quốc có hai mối lo ngại khi đồng USD mất giá hơn nữa: Thứ nhất, nếu đồng USD mất giá sẽ dẫn đến xu hướng đẩy giá đồng nhân dân tệ ngày càng tăng, từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc; thứ hai, đồng USD mất giá sẽ trực tiếp làm giảm giá trị của hơn 1,2 nghìn tỷ USD các trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Mỹ mà hiện Bắc Kinh đang nắm giữ.

Trong khi đó ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm một lần nữa và điều đó càng được củng cố sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố các dự báo. WTO cho biết nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2012, giảm so với mức dự đoán trước đây 3,7%. Kể từ sau sự sụp đổ tháng 9/2008, FED theo đuổi một chương trình rõ ràng.

Các ngân hàng và các trung tâm tài chính- có các hoạt động đầu cơ, trong đó một số hoạt động mang đặc điểm tội phạm vì gây nên cuộc khủng hoảng, đã được FED cung cấp các nguồn tiền giá rẻ vô tận. Các khoản lợi nhuận đang được thực hiện thông qua tăng giá các tài sản tài chính nhờ việc bơm thêm tiền của FED. Nhưng tình trạng trì trệ và suy thoái kinh tế cho thấy tiến trình này không thể tiếp tục và các thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ. Nhưng các lần can thiệp của 3 ngân hàng trung ương lớn của thế giới- FED của Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cho thấy, nếu không cung cấp các khoản tiền cứu trợ hơn nữa, chính các ngân hàng này cũng sẽ bị lôi kéo vào tình trạng rối loạn tài chính./.

Nguồn www.chinhphu.vn