Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về Đề án Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thay mặt cử tri đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác, hiệu quả hơn năng lực trình độ của người giữ chức vụ quyền hạn, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ đức, đủ tài, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.

Dự thảo Đề án này được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý; đồng thời, ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ.

Trình bày Tờ trình về Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, với những đối tượng dự kiến đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, căn cứ vào yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết Trung ương 4, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất 2 phương án:

Phương án 1 là người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn với tổng số lượng 49 người.

Ở phạm vi HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.

Theo ông Phan Trung Lý, việc lấy phiếu tín nhiệm các đối tượng trên sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức. Hạn chế của phương án là chưa bao quát hết những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Phương án 2 được nêu trong Đề án là người được lấy phiếu tín nhiệm gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người.

Tương tự, việc lấy phiếu đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh là khoảng 50 - 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 - 30 người, ở HĐND cấp xã là khoảng 5 - 7 người.

Ưu điểm của phương án này là thể hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của QH, HĐND, với tư cách là các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, thay mặt cử tri xem xét, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, phương án này có một số hạn chế đáng kể, cụ thể là số lượng người cần được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm rất lớn, khó xác định tiêu chí để đánh giá, thể hiện tín nhiệm đối với một số chức danh nhất là những chức danh hoạt động theo chế độ tập thể, khó xác định trách nhiệm cá nhân. Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ khó tránh khỏi hình thức, hiệu quả không cao.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo và ý kiến của các cơ quan được tham khảo ý kiến tán thành phương án 1 của Đề án. Nếu theo phương án này, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do QH và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tập trung cho ý kiến về các nội dung như đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm...

Giải thích băn khoăn của một số thành viên UBTVQH về việc làm rõ khái niệm bỏ phiếu và lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về cán bộ; bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Đề án quy định theo hướng lấy phiếu thăm dò rồi mới bỏ phiếu, sau khi có kết quả bỏ phiếu mới bãi miễn cán bộ nếu cần thiết.

Qua thảo luận, nhiều ủy viên UBTVQH tán thành phương án 1 về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời, đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi QH đối với các chức danh từ Chủ nhiệm Ủy ban, Hội đồng dân tộc, các thành viên Chính phủ trở lên. Với các Phó chủ nhiệm các Ủy ban, Hội đồng dân tộc, ủy viên thường trực của các Ủy ban của QH thì sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong phạm vi Ủy ban, sau đó báo cáo QH.

Góp ý về các phương án nêu trong Đề án, các thành viên UBTVQH đều cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu dứt khoát: Lấy phiếu rồi phải công khai kết quả. Nhưng đề nghị làm 2 năm liên tục hãy lấy phiếu tín nhiệm, bởi hiệu quả của công việc quản lý điều hành cần có thời gian mới thể hiện chính xác.

Đồng ý tần suất lấy phiếu tín nhiệm nên là hai năm một lần, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý đến một lý do khác. Ông nêu vấn đề: Có nên năm nào cũng lấy phiếu không? Lấy phiếu thường xuyên quá nhiều khi cũng làm cán bộ chùn tay, mất tính quyết đoán.

Bên cạnh đó, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể tiến hành ở các cấp độ khác nhau, các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực của các ủy ban chỉ nên lấy ý kiến trong hội đồng, ủy ban nơi họ công tác là đủ.

Liên quan đến nội dung phiếu tín nhiệm, dự thảo Đề án đề xuất có 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, nên thiết kế thêm câu hỏi: có nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đó hay không? “Khi người cho ý kiến trả lời câu hỏi này, Quốc hội sẽ có được tỷ lệ đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà Hiến pháp quy định. Như vậy vừa phù hợp với pháp luật, vừa đảm bảo yêu cầu kịp thời xử lý những cán bộ mất uy tín nghiêm trọng”, ông Đào Trọng Thi nói.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng có chung nhận định: việc lượng hóa mức độ tín nhiệm cao hay thấp là rất khó, thậm chí cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để đảm bảo đánh giá khách quan. Do đó, đề nghị chỉ nêu hai mức độ: tín nhiệm và không tín nhiệm.

Sau phiên họp này, Ban chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu hoàn chỉnh Đề án một bước và trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó chỉnh lý và trình QH thảo luận.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam