Cần một liều thuốc mạnh cho tai nạn giao thông

“Thuốc đắng giã tật”, không có một liều thuốc đủ mạnh, tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ không thể chấm dứt...

Trung bình mỗi ngày nước ta vẫn có hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương do tai nạn giao thông. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa thông tin về những vụ tai nạn thảm khốc. Đã có nhiều chiến dịch ra quân rầm rộ nhưng tai nạn giao thông vẫn không giảm, đặc biệt là tai nạn trên tuyến quốc lộ.

Nỗi ám ảnh tai nạn giao thông đối với người đi đường biết đến bao giờ mới chấm dứt. Mục tiêu quốc gia về kiềm chế và giảm số vụ tai nạn, số người chết vì tai nạn giao thông có nguy cơ phá sản khi mà xảy ra ngày càng nhiều những vụ tai nạn như trong thời gian vừa qua. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Chỉ trong 6 tháng, cả nước xảy ra 17.886 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 5.000 người, 19.997 người bị thương. Đặc biệt trong tháng 5 xảy ra cả chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách, làm chết nhiều người. Đặc biệt là vụ tai nạn giao thông kinh hoàng khi 1 xe khách rơi xuống cầu Sê-rê-pốc, Đắc Lắc làm 34 người chết, 14 người bị thương. Tai nạn giao thông trở thành “điểm tối” của tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và trở thành đề tài nóng trong phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 6.

Mất an toàn giao thông đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân, bởi có quá nhiều người bước chân ra khỏi nhà mà không có cơ hội trở về.

Hàng ngày phải chạy xe hơn chục km đi làm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên quốc lộ 5, anh Trần Văn Quang ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội luôn lo lắng mỗi khi dắt xe máy ra khỏi nhà: “Ra đường bây giờ tôi cứ phải nhìn trước ngó sau để quan sát. Ám ảnh vì từng chứng kiến các vụ tai nạn ô tô đâm xe máy, thỉnh thoảng tôi cũng hay giật mình. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng bị ám ảnh…”

Sau nhiều cuộc họp để tìm hiểu nguyên nhân tai nạn giao thông do xe khách đường dài xảy ra liên tiếp cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: ngoài tình trạng hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng của các loại phương tiện thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lái xe không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, đã uống rượu bia vẫn còn lái xe, nghe điện thoại, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, ngủ gật khi lái xe…

Còn tại sao tai nạn giao thông lại thường xảy ra vào tầm 5-7 giờ sáng, chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi... Xét về mặt hành trình chạy xe, đó là lúc lái xe mệt mỏi nhất sau một chặng đường liên tục chạy xe liên tục ban đêm, nên dễ ngủ gật. Hơn nữa, lái xe phải phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành bắt khách dọc đường vào buổi sáng sớm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng cục Đường bộ đang tổng hợp và yêu cầu Sở giao thông vận tải các tỉnh báo cáo số lượng đơn vị kinh doanh vận tải khách liên tỉnh các tuyến, số lượng chuyến và cự ly chạy; số lượng chuyến xe chạy trên tuyến quốc lộ 1A.

Tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật của xe chở khách, kiên quyết không cho xe không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật hoạt động chở khách. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ rà soát, kiểm tra phát hiện các các yếu tố chưa bảo đảm an toàn trên các tuyến đường để kịp thời sửa chữa. Tập trung giải quyết các “điểm đen” và bổ sung biển báo hiệu, sơn vạch kẻ đường trên các tuyến đường bộ có mật độ giao thông cao.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Điều kiện để cấp phép hoạt động vận tải khách và vận tải hàng hóa bằng contairner là các doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý về an toàn giao thông để kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện an toàn giao thông trong đơn vị. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị vận tải khách phải bố trí đủ số lượng lái xe để đảm bảo lái xe được nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá căng thẳng, bố trí những cung độ cho phù hợp đảm bảo sức khỏe của lái xe và hành khách, lái xe không được làm việc quá 10 tiếng/ngày và không lái xe quá 4 giờ liên tục…”.

Trong số hơn 17.000 vụ tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay, có gần 80 vụ gây hậu quả nghiêm trọng, hơn một nửa số này liên quan đến xe khách đường dài.

Nguyên nhân trước hết là do việc quản lý đội ngũ lái xe của các doanh nghiệp vận tải, nhất là các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp vận tải tư nhân thuê lái xe nhưng không kiểm tra trình độ, quy định với xe khách vận tải khách đường dài phải có 2 lái xe thay nhau thì doanh nghiệp chỉ tuyển 1 lái xe chính có giấy phép, còn một lái phụ không có giấy phép hoặc có nhưng không hợp lệ.

Ngoài ra vì lợi nhuận, doanh nghiệp thường khoán doanh thu cho lái xe, dẫn đến lái xe thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, không tuân thủ quy định thời gian điều khiển phương tiện liên tục, dẫn đến buồn ngủ, mất khả năng xử lý tình huống trên đường, gây ra tai nạn.

Ảnh minh họa - Internet

Đại tá Nguyễn Thanh Bảo, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông công an Hà Tĩnh cho rằng: “Hiện nay việc quản lý cấp phép thành lập doanh nghiệp vận tải quá dễ, dẫn đến doanh nghiệp cứ thành lập mua xe và thuê lái xe, khi lưu thông trên đường CSGT dừng xe họ có đầy đủ các giấy tờ thì phải cho họ đi. Cho nên chúng tôi kiến nghị nên thành lập những doanh nghiệp vận tải lớn, vì họ có đủ các điều kiện vận tải hành khác, trên thực tế thì những doanh nghiệp vận tải lớn từ trước đến nay hầu như chưa có vụ tai nạn nào nghiêm trọng. Biện pháp hiện nay thì chúng tôi cũng chỉ tăng cường lực lượng để xử lý xe khách, xe container vi phạm về tốc độ, kiểm tra phát hiện lỗi thì xử lý tiếp…”.

Để hạn chế tai nạn giao thông trên quốc lộ, nhiều người cho rằng: Nên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, cần siết chặt các quy định bắt buộc liên quan đến xe chở khách như, bắt buộc các xe chở khách phải lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình; đảm bảo đủ số lái xe theo quy định; tăng cường giám sát việc đào tạo, sát hạch lái xe để không chỉ có một đội ngũ lái xe có tay nghề vững vàng mà còn có lương tâm và trách nhiệm với tính mạng, tài sản của hành khách.

Thượng tá Trần Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt tiếp tục mở nhiều chuyên đề về xử lý cái lỗi liên quan đến xe khách đường dài, xe container; phối hợp với Sở giao thông các tỉnh rà soát, xóa các điểm đen, những điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông và kiến nghị ngành giao thông khắc phục.

Hậu quả của những tai nạn xe khách đường dài gây ra thường rất nghiêm trọng. Nguyên nhân, giải pháp thì cũng đã được nói nhiều. Nhưng nếu các ngành chức năng vẫn chỉ chỉ “giơ cao đánh khẽ” thì tình trạng vi phạm an toàn giao thông, nhất là với cánh lái xe đường dài sẽ không thể nào khắc phục nổi. Người viết bài này đã nhiều lần đi xe khách Bắc-Nam nhưng chưa thấy cảnh sát giao thông mấy khi bước lên xe để kiểm tra tình trạng vi phạm của lái xe, mà chỉ đứng ở lề đường, xem giấy tờ, trao đổi với lái xe rồi cho qua. “Thuốc đắng giã tật”, không có một liều thuốc đủ mạnh, tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ không thể chấm dứt. Con số trên 30 người chết, hàng trăm người bị thương tật mỗi ngày do tai nạn giao thông sẽ vẫn là nỗi ám ảnh với mọi người.

Nguồn VOV Online