Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Hộ tịch

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Theo đó, các thành viên của UBTVQH tập trung thảo luận các vấn đề về số định danh công dân; Sổ bộ hộ tịch; Sổ hộ tịch cá nhân ; về vấn đề lập Sổ bộ hộ tịch và cấp Sổ hộ tịch cá nhân cho công dân trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực ; về sự cần thiết có chức danh Hộ tịch viên...

Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại UBTVQH nêu rõ: Hiện nay, ở nhiều nước (như Đức, Áo, Thụy Điển, Hàn Quốc, Bosnia và Herzegovina...) đã thành công trong việc “số hóa” công dân. Thực chất, số định danh dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay, chúng ta không căn cứ vào số, mà thường căn cứ vào các yếu tố nhân thân (như tên họ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha mẹ…) để phân biệt người này với người khác…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, nhất là trong điều kiện phát triển của kỹ thuật số hóa như hiện nay, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, dự thảo Luật Hộ tịch quy định về việc cấp số định danh cho công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn, thì chỉ nên cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật mới. Số định danh được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và giấy tờ khác của cá nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, dự thảo Luật (khoản 2 Điều 10, Điều 78) giao Bộ Công an trách nhiệm xây dựng, quản lý kho số định danh công dân, cũng như cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Tư pháp trong việc quản lý, cấp số định danh cho công dân khi đăng ký khai sinh ngay khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành.

Theo ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay thì việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm...; tuy nhiên, phải có cơ sở hạ tầng tốt mới phát huy được, nếu chưa đồng bộ thì Luật này không có hiệu quả.

Ngoài ra, ông Đào Trọng Thi cho rằng, dự thảo Luật quy định việc số định danh công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam sinh ra kể từ ngày Luật này có hiệu lực là không hợp lý, vì như vậy, đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn phải quản lý theo cơ chế cũ, và như thế sẽ rất phiền toái. Nếu chưa thể cấp số định danh công dân được ngay cho tất cả người công dân thì có thể làm cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống vì ở độ tuổi này chưa có nhiều thông tin cá nhân nên dễ kiểm soát hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyên Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An Ninh cho hay, Luật này có thể gây thêm khó khăn cho người dân và nhà quản lý. Nếu chỉ cấp số định danh công dân cho người mới sinh ra kể từ khi Luật có hiệu lực thì sẽ rất phức tạp. Công tác quản lý phục vụ người dân hết sức khó khăn vì hàng vài chục năm sau vẫn phải quản lý 2 loại này cho 87 triệu người dân.

Thêm nữa, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, theo dự thảo Luật quy định, nơi đăng ký khai sinh là nơi lưu giữ và quản lý thì Sổ bộ hộ tịch là không khả thi, kịp thời vì trong nhiều trường hợp cá nhân thay đổi nơi cứ trú, mỗi lần phát sinh thay đổi dữ liệu hộ tịch chẳng hạn như kết hôn, chết... lại phải quay về nơi đăng ký khai sinh để bổ sung, điều chỉnh. Do vậy, ông Kim Khoa đề nghị, việc lưu giữ Sổ bộ hộ tịch nên do UBND cấp xã nơi cá nhân đăng ký thường trú lưu giữ thì việc điều chỉnh thông tin trong Sổ bộ hộ tịch mới có thể kịp thời, đầy đủ và chính xác. Ông Khoa cũng cho rằng, hộ tịch viên nên kiêm nhiệm.

Về Sổ hộ tịch cá nhân, có ý kiến cho rằng, không cần thiết quy định cấp Sổ hộ tịch cá nhân cho mỗi công dân; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá đầy đủ, toàn diện những bất cập hiện nay trong việc cấp các giấy tờ đăng ký hộ tịch. Bởi lẽ, nếu chỉ với lý do đơn giản là bớt đi một số giấy tờ hộ tịch của công dân mà làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân thì đó là việc làm không thực sự cần thiết. Hơn nữa, việc Nhà nước cấp các giấy tờ hộ tịch quan trọng như Giấy khai sinh hoặc Giấy đăng ký kết hôn thể hiện sự trân trọng trước sự kiện này của công dân, do đó không thể chỉ đơn giản là việc ghi vào Sổ hộ tịch cá nhân các sự kiện này.

Mặt khác, việc sử dụng Sổ hộ tịch cá nhân cũng có những bất cập nhất định, chẳng hạn khi cần thiết thì cá nhân chỉ cần mang 1 loại giấy (như giấy khai sinh hoặc đăng ký kết hôn) thì nay phải mang cả Sổ hộ tịch cá nhân; nếu như chỉ cần chứng minh một sự kiện hộ tịch thì công dân cũng phải xuất trình tất cả các thông tin trong Sổ ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của công dân hoặc trường hợp bị mất Sổ hộ tịch cá nhân thì mất hết mọi thông tin về hộ tịch của người đó. Ngoài ra, cũng cần tính đến cùng một lúc trong dự án Luật vừa đặt ra việc cấp số định danh công dân vừa quy định sổ hộ tịch cá nhân, cần phải xác định rõ sự cần thiết lập Sổ hộ tịch cá nhân, nếu không cần thiết thì không nên quy định./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam