Tham vấn ý kiến nhân dân

(NTO) Trong các năm gần đây, HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân trong hoạt động thẩm tra, giám sát nhằm giúp HĐND quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết định các chính sách an sinh xã hội đúng đối tượng, trúng vấn đề.

Tham vấn nhằm tạo điều kiện cho người dân đóng góp ý kiến vào những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được chính quyền trực tiếp lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu. Bên cạnh ý nghĩa giữ mối liên hệ giữa HĐND với cử tri, tham vấn còn là công cụ quan trọng giúp HĐND có đầy đủ căn cứ, lý lẽ và thông tin quan trọng, sát thực tế phục vụ cho hoạt động quyết định các chính sách và giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND đạt hiệu quả.

Tham vấn ý kiến nhân dân đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2008. Ở các địa phương, hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân đã thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau trong hoạt động của HĐND các cấp như: Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, khảo sát, hội nghị, hội thảo, thẩm tra, giám sát… Trong thời gian qua, HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tham vấn ý kiến nhân dân của 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Tháp, sau đó đã tổ chức thực hiện thí điểm ở HĐND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với nội dung tham vấn: “Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp” trước khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong quá trình xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015”. Qua các cuộc tham vấn ý kiến nhân dân tại các thôn, khu phố, có 72,7% ý kiến quan tâm đến việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, 87% ý kiến đánh giá khá cao về tính khả thi của Đề án; 90% ý kiến đồng ý với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng đóng góp khi xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng, sân phơi lúa… Tuy nhiên các ý kiến đề nghị khi thiết kế cần tham khảo ý kiến nhân dân và nên huy động sự tham gia của cả cộng đồng.

Qua hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân, đa số cử tri được hỏi đều đánh giá rất cao hoạt động này, họ thấy rằng chính quyền biết quan tâm tham khảo ý kiến nhân dân khi thực hiện một chủ trương lớn là rất cần thiết, nhiều người đã tham giá ý kiến thẳng thắn, đề xuất nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng công trình khi xây dựng, thậm chí đề xuất khi thi công công trình nếu gây thiệt hại ít thì vận động người bị thiệt hại tự nguyện đóng góp đất đai, công sức… vì lợi ích chung

Rút kinh nghiệm từ hoạt động này, hiện Thường trực HĐND tỉnh đang triển khai thực hiện thí điểm hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân ở 4 xã, phường về các nội dung: Đánh giá chất lượng xây dựng nhà 167, chất lượng nhà tái định cư, kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.