Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV sẽ khai mạc ngày 26/11 tới

Đó là thông tin được GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết tại cuộc gặp gỡ báo chí giới thiệu Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV diễn ra vào sáng nay 11/9 tại Hà Nội.

Đây là cuộc Hội thảo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26 - 28/11 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, mục đích của Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức khoa học từ việc tập hợp các ý tưởng hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới. Đặc biệt, thông qua Hội thảo này, các học giả trong và ngoài nước sẽ tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam trong hội nhập và phát triển theo tinh thần “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.

 

 
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn trao đổi với báo chí về công tác tổ chức
Hội thảo quốc tế về Việt Nam lần thứ IV. Ảnh: VA

Tính đến thời điểm này, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ IV đã thu hút được gần 1.300 đại biểu đăng ký tham dự, trong đó có hơn 1.000 đại biểu trong nước và hơn 200 đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Hiện Ban Tổ chức cũng đã nhận được 750 báo cáo khoa học trong đó có 600 tham luận trong nước và 150 tham luận nước ngoài.

Với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, Hội thảo được tổ chức theo 15 tiểu ban như: Lịch sử Việt Nam: truyền thống và hiện đại; Văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; Kinh tế Việt nam trong hội nhập và phát triển bền vững; Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong hội nhập và phát triển bền vững; Dân tộc và tôn giáo trong hội nhập và phát triển bền vững; Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bền vững…

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đức Cường, Ủy viên Ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết thực tế cho thấy, các cuộc Hội thảo quốc tế Việt Nam học đã diễn ra có tác động to lớn vào việc hình thành và phát triển một mạng lưới quốc tế các nhà Việt Nam học trên thế giới nhằm nghiên cứu, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử và những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong những thập niên qua cũng như những vấn đề đặt ra hiện nay trong quá trình phát triển.

Tại 3 lần tổ chức trước, Hội thảo quốc tế Việt Nam học đã thực sự là diễn đàn tọa đàm, trao đổi khoa học rất sâu sắc, bổ ích với các kết quả nghiên cứu về Việt Nam. Hội thảo đã góp phần phát triển ngành Việt Nam học ở trong nước và một số nước trên thế giới. Ví dụ như Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam được thành lập tập hợp hàng trăm học giả trong một tổ chức chặt chẽ, hàng năm đều tổ chức hội thảo công bố, trao đổi các kết quả nghiên cứu về Việt Nam. Tiếp đó là một số Hội học thuật nghiên cứu Việt Nam cũng được thành lập ở Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Tại Châu Âu, một mạng lưới nghiên cứu Việt Nam lấy tên là Euro-Việt đã ra đời và cứ 2 năm một lần tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học…

“Không ít kết quả nghiên cứu của giới Việt Nam học trong nước và quốc tế đã và đang thực sự đi vào cuộc sống, gợi mở hoặc góp phần trực tiếp và việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam và của Chính phủ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… và của các tổ chức quốc tế, các đối tác có quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với nước ta” – PGS.TS Trần Đức Cường cho biết thêm.

Nguồn Báo điện tử ĐCSVN