Indonesia tăng trưởng nhờ chi tiêu tiêu dùng

Ít có quốc gia nào có quy mô nền kinh tế tương đương như đất nước "Vạn đảo", với GDP 850 tỷ USD, lại đạt được tăng trưởng cao 6,4% trong Quý II/2012. Tăng trưởng của Indonesia chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế của quốc gia.

Trên thế giới, chỉ có Trung Quốc, một thành viên khác trong nhóm G20, tăng trưởng với tốc độ cao hơn với 7,6%, song con số này cũng đã giảm so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2001. Trong khi kinh tế Ấn Độ, thường vẫn đạt tăng trưởng trên 7%, đang đối mặt với lạm phát gia tăng ở mức cao, đã chỉ tăng trưởng 5,5%.

Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Mandiri, ông Destry Damayanti nói rằng so với các nước khác, tăng trưởng của Indonesia vẫn trên mức trung bình. Dự kiến, Malaysia và Thái Lan, đều là những nước dựa vào xuất khẩu, năm nay có thể chỉ tăng trưởng 3-5%, Ấn Độ khoảng 5%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm 2013, từ 6,1% năm 2012 lên 6,6% năm 2013 (IMF) và 6,4% năm 2012 lên 6,7% năm 2013 (ADB).

Hồi đầu năm nay các hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings và Moody's đã nâng xếp hạng của Indonesia, lần cải thiện đầu tiên kể từ năm 1997, cho thấy khả năng phục hồi nổi bật từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu của kinh tế Indonesia.

Tăng trưởng của Indonesia chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế của quốc gia. Chi phí vay thấp đã giúp khuyến khích người tiêu dùng mua nhà cửa, xe hơi, xe máy, điện thoại di động, máy tính và các hàng hoá khác. Động thái này cũng đã giúp tăng lợi nhuận của các công ty liên quan đến người tiêu dùng như Astra International và Unilever Indonesia và những người cho vay, như Ngân hàng Mandiri và Ngân hàng BCA.

Chính phủ Indonesia năm ngoái đã đưa ra kế hoạch tổng thể mở rộng và tăng tốc phát triển kinh tế (MP3EI) trị giá 4.000 nghìn tỷ rupiah (420 tỷ USD), tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng đường giao thông, sân bay, cảng biển, nhằm đưa kinh tế Indonesia lọt vào nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Nhà kinh tế cấp cao phụ trách khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Royal Bank of Scotland, Erik Lueth nhận xét rằng các dữ liệu Quý II/2012 cho thấy nhu cầu trong nước và đầu tư vẫn là động lực tăng trưởng chính của Indonesia. Do nhu cầu trong nước mạnh mẽ và nội hàm nhập khẩu cao trong xuất khẩu của mình mà Indonesia ít nhạy cảm hơn rất nhiều với sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu so với các nền kinh Châu Á khác. Trong khi đó đầu tư nước ngoài đang hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Indonesia và bù đắp cho ảnh hưởng của nhập khẩu máy móc, thiết bị gia tăng, trong khi xuất khẩu (chiếm khoảng 25% của nền kinh tế) giảm do nhu cầu niken, than đá và dầu cọ của châu Âu giảm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm về cầu và giá than thấp hơn khoảng 1/3 so với năm ngoái đã ảnh hưởng đến các công ty khai mỏ ở Kalimantan. Tập đoàn khai mỏ Adaro Energy tuyên bố sẽ hạn chế sản lượng để ngăn chặn đã xuống giá than. Cổ phiếu của công ty Vale Indonesia- nhà sản xuất niken lớn nhất Indonesia, đã giảm 28% và lợi nhuận ròng giảm mạnh tới 99% trong nửa đầu nửa đầu năm nay.

Blooomberg cho biết thâm hụt thương mại liên tục của Indonesia trong 4 tháng, từ tháng 4-7/2012, đã khiến giá trị của động nội tệ rupiah giảm 5,5% so với đồng USD trong năm nay, mức giảm tồi tệ thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), Darmin Nasution thừa nhận BI đã sẵn sàng cho phép đồng rupiah suy yếu hơn nữa để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia. Và mặc dù cho rằng tỷ lệ lạm phát thấp, tốc độ tăng trưởng trong nước mạnh mẽ và thâm hụt ngân sách thấp vẫn là những chỉ số chính của "một sự cân bằng kinh tế tốt", song ông đã không bác bỏ khả năng BI sẽ can thiệp vào thị trường bằng cách bán ra ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ của Indonesia đạt kỷ lục 124,6 tỷ USD hồi tháng 8/2011 khi tỷ giá hối đoái là 8.500 rupiah/USD, đã giảm còn 106,6 tỷ USD hiện nay với tỷ giá hối đoái 9.560 rupiah/USD.

Thống đốc Darmin Nasution cho rằng năng lực công nghiệp của Indonesia là điểm yếu nhất trong hoạt động kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Các ngành công nghiệp đã nhập khẩu nhiều hàng hóa vốn trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu. Thâm hụt thương mại của Indonesia trong tháng 6/2012 đã tăng lên mức kỷ lục 1,3 tỷ USD, khiến thâm hụt toàn bộ Quý II/2012 là 229 triệu USD. Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai đã tăng lên 6,9 tỷ USD trong Quý II/2012, tương đương 3,1% GDP.

Các nhà kinh tế Anton Gunawan và Dian Ayu Yustina tại Ngân hàng Danamon Indonesia nhận định rằng do tình hình khó khăn của kinh tế thế giới còn kéo dài, trong khi các nền kinh tế đối tác thương mại chủ chốt đều không có cải thiện đáng kể nào, nên kinh t ếIndonesia sẽ chỉ tăng trưởng 6,1% năm 2012, thấp hơn mức 6,5% năm 2011 là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1996.

Nguồn www.chinhphu.vn