Những dấu ấn nổi bật năm học 2011 - 2012

(NTO) Năm học 2011-2012 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự góp sức của toàn xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và gặt hái được những thành tích khá ấn tượng.

Thêm nhiều học sinh gắn bó với trường

Xác định công tác duy trì sỹ số, chống lưu ban, bỏ học là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành, ngay từ đầu năm học 2011-2012, các trường đã tiến hành khảo sát trình độ học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu kém, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm rõ rệt tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học ở 2 cấp tiểu học và THCS. Cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 0,4% năm học 2010-2011 xuống còn 0,25% cuối năm học 2011-2012. Cấp THCS cũng giảm đáng kể từ 3% xuống còn 1,29%. Điều đáng nói là nhiều trường học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn như Bác Ái, Thuận Bắc lại có tỷ lệ duy trì sĩ số rất tốt, một số trường duy trì được 100% học sinh đến lớp.

 
Giờ thể dục của học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Phước Dân, Ninh Phước),
năm học 2012-2013. Ảnh: Văn Miên

Những con số đáng mừng về tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ở 2 cấp tiểu học và THCS có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện thành công các cuộc vận động và phong trào thi đua. Với chủ đề: “Sống có trách nhiệm, tất cả vì học sinh thân yêu” và khẩu hiệu: “Tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sau 4 năm triển khai đã góp phần tạo nên bộ mặt mới cho toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà: trường, lớp sạch, đẹp hơn; giáo viên yêu thương, quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của học sinh; chăm lo đầu tư đổi mới phương pháp dạy học, từ đó học sinh tự tin, chủ động, tích cực hơn trong học tập và thích đến trường nhiều hơn.

Học sinh gắn bó hơn với trường lớp cũng một phần nhờ vào sự “tích hợp” hiệu quả của ngành GD&ĐT trong việc phát động nhiều cuộc thi, phong trào có ý nghĩa, từ đó giúp thầy, cô giáo và học sinh “xích” lại gần nhau hơn, giúp học sinh có thêm những bài học nhân văn về cuộc sống ngoài sách vở. Những nét bút tri ân xúc động dành cho ba mẹ, thầy cô, bạn bè trong cuộc thi “Khi tôi nói lời yêu thương”, những giây phút xúc động, nơi để các em được bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng với các bậc sinh thành trong lễ tốt nghiệp, lễ tri ân… Ấn tượng hơn nữa khi những học sinh của trường phổ thông Dân tộc nội trú Pi-năng Tắc, huyện Bác Ái được tham gia lớp đào tạo lực lượng nòng cốt diễn tấu nhạc cụ Mã La để thêm yêu quí, tự hào truyền thống văn hóa cha ông, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.... để trường học của các em không còn bó hẹp trong bốn bức tường mà mở rộng ra với cuộc sống.

 
Thư viện được các thầy, cô giáo trang trí đẹp, giúp học sinh
Trường Tiểu học Phước Đại B, huyện Bác Ái ham mê đọc sách hơn.

Những thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu

Năm học 2011-2012 vừa qua, trang lưu bút của nhiều học sinh nghèo, học sinh ở các vùng sâu, vùng xa cũng ghi dấu thêm những hình ảnh đẹp về những người thầy, người cô hết lòng với các em. Đó là những thầy, cô giáo gắn bó với vùng cao Bác Ái, tự nguyện hy sinh kỳ nghỉ hè, nghỉ phép của mình để tham gia tháng tình nguyện “Mùa hè xanh vì học sinh thân yêu”, đóng góp hàng trăm ngày công tu sửa trường lớp, trồng thêm cây xanh, làm bếp ăn, thư viện…để năm học mới học sinh có thêm niềm vui, gắn bó hơn với trường, với lớp. Đó cũng là những cán bộ, giáo viên tự trích phần lương của mình để trang hoàng, tu sửa trường, lớp học, hay không ngại đường xa, vất vả đến tận từng nhà động viên học sinh ra lớp. Ngay tại trung tâm thành phố, giữa thời buổi kinh tế thị trường vẫn có những giáo viên như ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn dành cả tháng hè để dạy bồi dưỡng miễn phí cho học sinh giỏi…

Cuộc vận động “Phòng giúp phòng, trường giúp trường, thầy trò giúp nhau” với mục đích phát huy tinh thần hỗ trợ tương thân tương ái giữa các trường và địa phương trong tỉnh cũng đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, quyên góp hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tổng số tiền mặt hơn 500 triệu đồng cùng nhiều món quà có ý nghĩa thiết thực. Với “Tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm”, các thầy, cô giáo cũng đang ngày càng nỗ lực hết mình, tìm tòi, sáng tạo nhiều cách làm hay, phương pháp dạy học hiệu quả để giúp học sinh tiếp cận tốt hơn với bài học, góp phần thực hiện việc “dạy thật, học thật”, làm tròn sứ mệnh "trồng người" của người giáo viên.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2011-2012, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được củng cố, duy trì và phát triển với tỷ lệ học sinh có học lực trung bình trở lên tăng 9,1% so với năm học trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,59%, tăng 7,64% so với năm 2011. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, tiếp tục được củng cố và duy trì ở tất cả 65/ 65 xã, phường, đạt tỷ lệ 100%, giữ vững tiêu chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Tính đến tháng 6-2012, tỉnh ta có 100% xã, phường và 100% huyện, thành phố duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Về giáo dục mũi nhọn, có 86 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 10 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, 22 huy chương trong kỳ thi Olympic truyền thống 30-4. Đặc biệt, trong năm học này, lần đầu tiên đoàn vận động viên học sinh tỉnh ta đoạt được 3 huy chương đồng tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII (1 môn Vovinam và 2 huy chương môn Taekwondo). Em Nguyễn Khoa Diệu Khánh, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng đoạt huy chương vàng môn Bóng bàn tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ IV-2012 ở Indonesia.

Những con số ấn tượng, những thành tích nổi bật trên đã đánh dấu sự thành công đáng ghi nhận của ngành GD&ĐT tỉnh nhà trong một năm học phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó cũng chính là động lực, là niềm tin để toàn ngành tiếp tục cố gắng, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2012-2013.