Thuận Nam: Ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn,vươn khơi bám biển

(NTO) Để khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, những năm gần đây ngư dân Thuận Nam đã mạnh dạn đầu tư, cải tiến nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn, chuyển hướng đánh bắt tại các vùng biển xa bờ. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong việc phát huy tiềm năng kinh tế biển tại địa phương.

Theo đánh giá của ông Lưu Ngọc Lễ, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thuận Nam thì sản lượng đánh bắt, khai thác hải sản của ngư dân trong huyện những năm gần đây chiếm vào khoảng gần 50% tổng sản lượng của cả tỉnh.

Ngư dân xã Cà Ná đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn.

Một trong những nguyên nhân chính mang lại hiệu quả cao trong khai thác, đánh bắt hải sản, chính là những năm vừa qua, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới nhiều tàu thuyền có công suất lớn, chuyển hướng đánh bắt tại các ngư trường xa bờ. Nếu vào năm 2002 lượng tàu thuyền tại cảng Cà Ná chủ yếu có công suất từ 45 – 60 CV, thì hiện nay toàn huyện có trên 970 tàu thuyền, với tổng công suất gần 120.000 CV, trong đó số tàu có công suất trên 90 CV là 454 chiếc, với tổng công suất gần 77.000 CV. Đặc biệt tại ở 2 xã Phước Diêm và Cà Ná, số lượng tàu thuyền có công suất từ 200 CV trở lên được bà con đầu tư ngày càng nhiều. Ước tính chỉ 3 năm trở lại đây, ngư dân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc cải hoán, đóng mới các loại tàu thuyền có công suất lớn.

Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Diêm cho biết: “Vài năm trở lại đây việc đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn để vươn ra khơi xa, có ngư dân đầu tư đến tiền tỷ để nâng cấp tàu thuyền”. Hiện toàn xã Phước Diêm có gần 320 tàu thuyền từ 90 CV trở lên, riêng lượng tàu trên 200 CV chiếm khoảng 40%”. Hằng năm sản lượng khai thác hải sản của xã đạt từ 20.000-25.000 tấn. Theo ông Đông, thì ngoài việc đầu tư đóng tàu thuyền có công suất lớn, hiện nay ngư dân còn trang bị rất nhiều máy móc hiện đại cho việc đánh bắt xa như máy dò quét, máy định vị, máy Ycom đường dài, bộ đàm… và mua sắm các ngư lưới cụ, mở rộng phạm vi hoạt động. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế gần như gấp đôi so với đánh bắt truyền thống gần bờ như nhiều năm trước. Ngư dân Nguyễn Thanh Xuân, thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, với gần 20 năm bám biển, bộc bạch: “Gia đình tôi có 2 chiếc tàu với công suất 105 CV và 230 CV. Thấy việc khai thác đánh bắt xa bờ tại các ngư trường lớn rất hiệu quả, đầu năm rồi tôi lại đầu tư thêm chiếc tàu có công suất 350 CV”.

Hiện nay, phạm vi hoạt động của các tàu thuyền có công suất lớn của huyện Thuận Nam trải dài từ ngư trường các tỉnh lân cận cho đến tận Kiên Giang. Rõ ràng hướng khai thác đánh bắt hải sản xa bờ đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho ngư dân vùng biển trong huyện. Vì vậy việc cải hoán, nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn đang là “phong trào” của ngư dân vùng biển hiện nay.

Tuy nhiên nhiều ngư dân vẫn lo lắng bởi hầu hết các nguồn cung ứng như dầu, nước đá và thu mua thủy, hải sản đều phụ thuộc vào tư thương nên vẫn thường hay xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Bên cạnh đó, việc liên lạc thông tin từ biển về đất liền khi xảy ra sự cố vẫn còn khá chậm. Để ngư dân an tâm và mạnh dạn đầu tư tàu thuyền vươn ra khơi xa bám biển, các ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc định hướng và thực hiện các chính sách của Nhà nước hỗ trợ ngư dân khai thác ngư trường xa bờ, có như vậy Thuận Nam mới phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.