Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng chăm sóc và giáo dục mầm non

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 5396/BGDĐT-GDMN ngày 20/8/2012, hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục mầm non giai đoạn 2012 – 2013.

(Ảnh minh họa: moet.gov.vn)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho giáo dục mầm non trong năm học mới là phát triển về số lượng và chất lượng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển hài hòa về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số để thu hút trẻ đến trường; tập trung ưu tiên cho mẫu giáo 5 tuổi; thực hiện tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phát huy ảnh hưởng của giáo dục mầm non đối với xã hội, đồng thời tận dụng mọi nguồn lực để phát triển giáo dục mầm non.

Về những nhiệm vụ cụ thể trong năm học mới, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục nhằm phát huy tính tích cực của trẻ, hình thành ở trẻ các phẩm chất mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, thân thiện với mọi người xung quanh, lễ phép trong giao tiếp, ứng xử.

Đảm bảo trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tốt tiếng Việt. Các vùng còn lại tăng cường biện pháp để có thể huy động hầu hết trẻ 5 tuổi vào học ở các loại hình trường khác nhau và chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý, tuyệt đối không ép trẻ tập đọc, viết chữ, học trước chương trình lớp 1. Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non, tăng cường các biện pháp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, đảm bảo 100% trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Hướng dẫn cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống béo phì, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) dưới 8% và tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%; phấn đấu giảm ít nhất 1% số trẻ suy dinh dưỡng so với cùng kì năm trước. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường mầm non, giữ gìn môi trường sinh hoạt, dụng cụ ăn uống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ của trẻ sạch sẽ để phòng chống một số bệnh do virut gây ra, dễ lây lan và gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Cùng với đó, rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, kịp thời bổ sung ở những nơi còn thiếu; đảm bảo cán bộ quản lí, chỉ đạo giáo dục mầm non các cấp có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, góp phần chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững cấp học giáo dục mầm non ở từng địa phương./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam