Thẩm định Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020

(NTO) Ngày 22-8, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020. Cùng dự có đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở: Giáo dục- Đào tạo, Nội vụ, Tài nguyên- Môi trường, Kế hoạch- Đầu tư và đơn vị tư vấn.

Dự án Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 do Sở GD&ĐT kết hợp với đơn vị tư vấn là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thực hiện. Dự án xác định tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh ta trở thành một trong những tỉnh có nền giáo dục phát triển hàng đầu của miền Trung với các chỉ tiêu định hướng phát triển cho từng cấp học: Đến năm 2020, cấp mầm non tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,9% và 100% trẻ 5 tuổi đi học được học 2 buổi/ngày; 20% trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Cấp tiểu học tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99.9%, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia là 50%. Cấp THCS tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 đạt 95%; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia là 40%. Cấp THPT tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THPT là 98%...

 
PGS.TS. Nguyễn Như Bình, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội trình bày báo cáo tóm tắt dự án
Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020

Trên cơ sở phân tích thực trạng, dự báo tình hình dân số của tỉnh, Dự án cũng xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 toàn tỉnh có 100 trường mầm non, 160 trường tiểu học, 67 trường THCS, 20 trường THPT, 1 trường THPT chuyên và 5 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận thành trường Đại học Ninh Thuận. Nhu cầu vốn đầu tư cho Giáo dục& Đào tạo cả giai đoạn 2012-2020 là 10.171 tỷ đồng.

Sau khi nghe PGS.TS. Nguyễn Như Bình, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội trình bày báo cáo tóm tắt dự án, hầu hết các đại biểu đều cho rằng: Đơn vị tư vấn cần bám sát thực trạng địa phương hơn nữa và phải lưu ý đến những khó khăn, thuận lợi, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của GD&ĐT từ các dự án đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là dự báo về vấn đề dân số và nhu cầu học tập khi thực hiện 2 dự án Nhà máy Điện hạt nhân; bổ sung thêm vấn đề đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ em khuyết tật; thống kê chính xác số lượng giáo viên, học sinh, thực trạng của từng cấp học để đưa ra các chỉ tiêu định hướng cụ thể hơn đặc biệt là đưa ra những con số cụ thể về nhu cầu quỹ đất…

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phía đơn vị tư vấn cần tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ các ý kiến đóng góp và nhanh chóng sửa chữa, bổ sung dự án trình Hội đồng nhân dân tỉnh.