Công ước LHQ về Luật Biển: Công cụ pháp lý quan trọng của thế giới

Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Công ước LHQ về Luật Biển là "một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất của thế giới" và là công cụ cho sự phát triển bền vững mà tất cả các quốc gia cần phê chuẩn.

Phát biểu tại hội nghị kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), tổ chức tại thành phố cảng Yeosu, Tây Nam Hàn Quốc, ngày 12/8, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh UNCLOS "góp phần vào hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như việc sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý".

Tính đến nay, đã có 162 nước phê chuẩn và tham gia Công ước Luật Biển 1982 (Thái Lan là quốc gia thứ 162 gia nhập ngày 15/5/2011).

Nhân dịp này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã công bố sáng kiến "Thỏa thuận Đại dương" nhằm bảo vệ các đại dương khỏi nạn ô nhiễm và tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng như ngăn chặn hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa hàng trăm triệu người dân trên thế giới.

Ông nhấn mạnh rằng sáng kiến này đề ra "một tầm nhìn chiến lược" về một hệ thống của LHQ nhằm giải quyết hiệu quả "tình trạng bất ổn" của các vùng biển trên thế giới.

Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn cướp biển đồng thời hướng tới một khuôn khổ pháp lý nhằm đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Sau hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán, ngày 10/12/1982, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982), (tên tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea), hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982, được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Montego Bay, Jamaica.

Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật Biển 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Công ước Luật Biển 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán. Công ước Luật Biển 1982 thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước công nghiệp phát triển hay là nước đang phát triển…

Nguồn Chinhphu.vn