Giá xăng dầu lại tăng?

Đây là câu hỏi đang được người tiêu dùng lo ngại đặt ra sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 1/8.

Lý do: Hiện giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng khiến trong nước giá trung bình cơ sở đang tăng so với giá bán hiện hành khoảng 4%

Theo thống kê và tính toán của DN đầu mối, kể từ ngày 1 – 7/8, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng. Tại thị trường London, hợp đồng dầu thô Brent đang ở mức 110 USD/thùng. Cùng lúc đó, trên thị trường Mỹ, dầu thô ngọt nhẹ tại New York cũng tăng 1,3% ngay sau khi mở cửa và chốt phiên ở mức 93 USD/thùng.

Tại thị trường Singapore, giá xăng dầu thành phẩm tăng từng ngày. Ngày 1/8, tại thị trường này, giá xăng RON là 92 là 116,14 USD/thùng, dầu Diezen 0,05 là 122,59 USD/thùng, dầu hoả là 120,9 USD/thùng, Mazut là 648,47/thùng. Đến ngày 7/8, mặt hàng RON 92 là 122,18 USD/thùng, Diezen 127,48 USD/thùng, dầu hoả 126,09 USD/thùng, Mazut 666,8 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá xăng RON 92 thế giới vượt mốc 120 USD/thùng trong vòng gần ba tháng qua.

Giá xăng dầu thế giới diễn biến theo xu hướng tăng được lý giải do đồng tiền chung châu Âu sụt giảm, khả năng hồi phục kinh tế châu Âu vẫn chưa diễn ra như dự đoán. Thêm nữa, lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ và châu Âu đối với Iran cũng khiến nguồn cung bị thiếu hụt…

Với mức tăng giá xăng dầu thế giới những ngày qua, khiến giá xăng trung bình cơ sở tính từ ngày 7/8 trở về trước 30 ngày ở mức khoảng 22.800 đồng/lít. So với giá bán hiện hành 21.900 đồng/lít, giá trung bình cơ sở đang cao hơn 900 đồng/lít, chênh lệch khoảng 4,1%, các DN đầu mối bắt đầu phát sinh lỗ.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là giá xăng dầu thế giới tăng, liệu DN đầu mối có điều chỉnh giá bán? Theo Nghị định 84, có hai điều kiện tiên quyết để DN được điều chỉnh giá xăng dầu: Thứ nhất, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Thứ hai, các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành.

Theo phân tích và dự đoán của các chuyên gia kinh tế, kể từ đợt tăng giá gần đây nhất, ngày 1/8, đến nay đã là 9 ngày, và trong khoảng thời gian này giá xăng dầu thế giới vẫn biến động theo xu hướng tăng. Các DN đầu mối sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trong một hai ngày tới. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, nhiều khả năng các DN xăng dầu đầu mối sẽ đề nghị Liên bộ Tài chính – Công thương được điều chỉnh giá bán./.

Nên đưa thời gian tính giá trung bình về còn 10 ngày

Trao đổi với phóng viên VOV, một quan chức của Bộ Tài chính xác nhân, đáng lẽ thời điểm ngày 1/8 giá xăng phải tăng ở mức 1.200 đồng/lít. Tuy nhiên, báo cáo gửi lên của các DN đầu mối trước ngày 1/8; mức tăng giá đề nghị chỉ ở mức 900 đồng/lít.

Sự việc này được ông Đặng Vĩnh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro lý giải, có hai sự chậm pha: Thứ nhất, do đề xuất của DN điều chỉnh giá thì Nhà nước phải xem xét, quyết định, dẫn tới tình trạng bị chậm 2 – 3 ngày.

Thứ hai, tính giá trung bình trong 30 ngày là khoảng thời gian quá dài khiến giá trong nước sẽ không diễn biến theo kịp giá thế giới. Đến lúc giá thế giới tăng thì giá trong 30 ngày vẫn thấp, ngược lại lúc giá thế giới thấp thì giá 30 ngày vẫn cao.

Ông Sang đề nghị nên thay đổi quy định giá trung bình 30 ngày xuống còn 10 ngày để giá xăng dầu trong nước biến động kịp theo diễn biến giá xăng dầu thế giới./.

Nguồn Báo VOV