Mỹ, Đức, Pháp bắt tay giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu

Sau cuộc họp diễn ra tại đảo Sylt (Đức), ngày 30-7, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Mỹ Timothy Geithner đã bày tỏ tin tưởng châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hơn 2 năm qua tại Khu vực đồng Euro (Eurozone).

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, hai Bộ trưởng Tài chính Đức và Mỹ cam kết cùng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eurozone, đồng thời kêu gọi "hợp tác và phối hợp quốc tế", nhấn mạnh sự cần thiết đạt được tài chính công ổn định, hạn chế sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô toàn cầu và khôi phục tăng trưởng.

Ông Schaeuble và ông Geithner bày tỏ tin tưởng vào nỗ lực của các nước thành viên Eurozone trong tiến trình cải cách và hội nhập sâu rộng hơn, cho rằng vụ bán đấu giá thành công trái phiếu chính phủ vừa qua tại Ailen là bằng chứng mới nhất cho thấy châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng nhất. Hai nhà lãnh đạo cũng ca ngợi nỗ lực mạnh mẽ của Tây Ban Nha và Italia nhằm theo đuổi chương trình cải cách cơ cấu và tài chính sâu rộng.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo châu lục này về cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, ông Geithner cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici thảo luận về những nỗ lực nhằm đảm bảo ổn định tài chính, hội nhập kinh tế và thúc đẩy phục hồi tại khu vực đồng tiền chung.

* Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, ngày 30-7, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Xamaras đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các chính đảng trong liên minh cầm quyền để bàn về kế hoạch cắt giảm chi tiêu, điều kiện cần thiết để giải ngân khoản vay 31,5 tỷ Euro, một phần trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ Euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho nước này.

Trong cuộc họp kéo dài hơn hai giờ, Thủ tướng cùng lãnh đạo các đảng trong chính phủ liên minh đã thảo luận về một khuôn khổ chiến lược nhằm đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài suốt 5 năm qua. Dự kiến cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong vài ngày tới.

Hiện Hy Lạp đang chịu sức ép phải cắt giảm chi tiêu 11,5 tỷ Euro, theo yêu cầu của EU và IMF để nhận được các khoản vay mới. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu 11,5 tỷ Euro của Hy Lạp đã bị trì hoãn do tình hình chính trị bất ổn tại nước này liên quan đến việc không thành lập được chính phủ sau cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hồi tháng 5, buộc nước này phải tiến hành lại tổng tuyển cử vào tháng 6 vừa qua.

Nguồn www.chinhphu.vn