Mỹ: Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản

Theo Báo cáo Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý vừa kết thúc chỉ đạt 1,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% của quý trước. Đây cũng là quý có tốc độ tăng GDP yếu nhất kể từ quý III/2011.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2008 đến hết năm 2010, trên toàn lãnh thổ nước Mỹ
có hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ bị phá sản.

Hai nguyên nhân chính là do chi tiêu của người tiêu dùng - yếu tố đóng góp tới hơn 70% vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ - rất thấp và kim ngạch xuất khẩu cũng bị hạn chế do các thị trường ở ngoài nước gặp nhiều khó khăn.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng GDP chậm lại rất nhiều trong quý II cộng với thị trường lao động ảm đạm hơn trong ba tháng gần đây đang tạo thêm áp lực, có thể buộc Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) phải có thêm các gói kích thích tăng trưởng trong kỳ họp sắp tới.

Cho tới nay, FED đã tung vào nền kinh tế 2.300 tỷ USD thông qua việc mua lại các khoản nợ liên quan thế chấp và chủ trương tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất gần như bằng không cho tới hết năm 2014.

Vài giờ sau thông báo trên của Bộ Thương mại, Nhà Trắng đã công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế, trong đó hạ mức tăng GDP của cả năm nay từ 2,7% xuống 2,3% và năm tới từ 3,0% xuống 2,7%.

Theo dự báo của Nhà Trắng, tỷ lệ thất nghiệp trong công nhân Mỹ trong cả năm 2012 khoảng 8% và năm tới là 7,7%, giảm mạnh so với mức dự báo tương ứng 8,9% và 8,6% cũng do Nhà Trắng đưa ra hồi tháng Tư vừa qua. Thâm hụt ngân sách liên bang tài khóa 2012 (bắt đầu từ 1/10/2011 đến 30/9/2012), dự kiến là 1.211 tỷ USD, giảm 116 tỷ so với dự báo lần trước.

Một số ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng tại châu Âu, sự không chắc chắn về việc liệu chính phủ Mỹ có tăng một số khoản thuế và phải thực hiện chương trình cắt giảm tự động ngân sách chi tiêu theo dự kiến bắt đầu từ năm 2013 đã trì hoãn kế hoạch tuyển dụng của nhiều công ty.

Cuộc suy thoái 2008-2009 đã dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy với hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ bị xóa sổ, làm hàng triệu người lao động bị mất việc làm và để lại những lổ hổng lớn mà nền kinh tế lớn nhất thế giới phải mất nhiều năm nữa mới lấp đầy được.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2008 đến hết năm 2010, trên toàn lãnh thổ nước Mỹ có hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ bị phá sản, kéo theo hơn 3 triệu việc làm bị mất.

Theo các chuyên gia, Mỹ đang đối mặt với tình trạng mà các nhà kinh tế gọi là “vực thẳm ngân sách” (fiscal cliff) với sự hết hạn của các biện pháp cắt giảm thuế từ thời Tổng thống Bush và chương trình cắt giảm chi tiêu tự động trị giá 1,2 ngàn tỷ USD. Hai yếu tố này cho thấy tình hình tài chính bị thắt chặt đến mức có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi trở lại vào suy thoái.

Theo dự báo, quốc gia này cũng có thể chạm mức trần nợ quy định 16,4 ngàn tỷ USD trước thời điểm cuối năm nay, qua đó gia tăng nguy cơ vỡ nợ nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ.

Dù các thị trường tài chính cho rằng Quốc hội và Nhà Trắng sẽ tìm ra cách để tránh sự đổ vỡ về mặt tài khóa nhưng Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cảnh báo về khả năng phản ứng dữ dội của các thị trường nếu mức độ đồng thuận bắt đầu suy yếu.

Nguồn www.chinhphu.vn