Đại diện cuối cùng của loài rùa “khủng”… qua đời

Cụ rùa có tên Lonesome George (George cô đơn) sinh sống trên quần đảo Galapagos (Ecuador) vừa qua đời ở tuổi 100.

Sở dĩ “cụ” được các nhà khoa học đặt tên là “George cô đơn” bởi “cụ” là cá thể cuối cùng và duy nhất còn sót lại của loài rùa voi Abingdonskaya được cho là đã tuyệt chủng. Từ năm 1972, “George cô đơn” sống ở trạm nghiên cứu Charles Darwin.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học ở đây chưa thể phát hiện thêm cá thể cái thuộc loài rùa này để “George cô đơn” lấy làm vợ, thực hiện chức năng bảo tồn giống loài.

Quần đảo Galapagos hay còn gọi là Đảo Rùa - nằm biệt lập ngoài Thái Bình Dương, cách Ecuador 600 dặm.

Đảo Rùa được một giám mục người Tây Ban Nha phát hiện năm 1535 trong khi ông đi truyền giáo. Vị giám mục này đã được vinh danh là người phát hiện ra vùng đất tuyệt đẹp với những chú rùa khổng lồ. Ông gọi hòn đảo này là Đảo Rùa, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Galapagos.

Đảo Galapagos gồm 13 đảo lớn, 6 đảo nhỏ và hơn 100 núi đá trọc nhô lên khỏi mặt nước. Quần đảo nằm trên xích đạo này được hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa cách đây 3 triệu năm. Do nằm ở xích đạo, vừa mang tính nhiệt đới, vừa ôn đới, lại hàn đới, nên động thực vật vô cùng phong phú. Loài rùa khổng lồ còn sót lại trên hòn đảo này được xem như những “chứng nhân” cho lịch sử từ khi đảo mới hình thành.

Những chú rùa khổng lồ trên hòn đảo này nặng tới 400kg, dài tới 2m. Thậm chí, có những chú đạt độ lớn cực đại lên đến nửa tấn! Tuổi thọ của chúng đạt hàng trăm năm.

Trên quần đảo Galapagos có 3 loài rùa khổng lồ. Cơ sở phân loại dựa vào hình dáng của mai, gồm mai bằng, mai tròn, mai dẹp. Những chú rùa khổng lồ trên quần đảo đều có nguồn gốc từ lục địa. Tuy nhiên, giống rùa ở lục địa đều đã tuyệt chủng từ nhiều trăm năm trước.

Một số hình ảnh trên "đảo Rùa" Galapagos:

Nguồn VOV Online