Viettel đang nghiên cứu sản xuất thiết bị IPv6

Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, tình hình kết nối IPv6 quốc gia đã có những tiến triển mạnh, trong đó ngoài VDC, Netnam sẵn sàng cung cấp dịch vụ thương mại trên IPv6 ra cộng đồng thì Viettel đã xúc tiến các hoạt động nghiên cứu sản xuất thiết bị IPv6.

Tại buổi họp Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia ngày 18/7, ông Trần Minh Tân cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 7 doanh nghiệp đã ban hành và báo cáo về Kế hoạch hành động chuyển đổi sang IPv6 cho mạng lưới và dịch vụ của mình, bao gồm VNPT, SPT, Viettel, CMC TI, FPT Telecom, EVN Telecom (nay đã sáp nhập với Viettel), Netnam, trong đó các đơn vị như Netnam, Viettel, SPT là các doanh nghiệp đi tiên phong trong triển khai IPv6.

Nhận thức của các doanh nghiệp Internet Việt Nam về IPv6 đã có những cải thiện đáng kể.

5 doanh nghiệp đang duy trì đường kết nối thuần IPv6 tới mạng lõi IPv6 của VNNIC gồm Netnam, DTS, Viettel, VTC và VCTV, dù lưu lượng trao đổi thực tế của các kết nối này còn rất hạn chế, thậm chí có kết nối còn không có lưu lượng. Một số đơn vị như VNPT, Viettel, Netnam còn có các đường kết nối thuần IPv6 ra quốc tế. Bên cạnh đó, VDC/VNPT, Netnam đã báo cáo sẵn sàng cung cấp dịch vụ thương mại trên IPv6 dù dịch vụ mới chỉ dừng ở mức cơ bản như hosting, email, đường truyền Internet, DNS...

Ông Tân cho rằng, kết quả quan trọng nhất đã đạt được trong việc triển khai IPv6 là nhận thức của các doanh nghiệp Internet Việt Nam về IPv6 đã được cải thiện đáng kể. Tại một số doanh nghiệp, đơn vị, nhận thức này đã được chuyển biến thành hành động cụ thể, hướng đến mục tiêu chung là đưa quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam nhanh chóng.

Cũng theo ông Tân, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang IPv6 và hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, thời gian tới, Ban công tác sẽ tăng cường đa dạng hóa công tác đào tạo và phổ cập kiến thức về IPv6. Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện công tác đào tạo chuyên môn về IPv6 cho các doanh nghiệp, Ban công tác cần tiến tới phổ cập kiến thức IPv6 cho cộng đồng thông qua việc đưa nội dung chuyên đề về IPv6 vào chương trình đào tạo của các trường đại học ngành điện tử, viễn thông.

Ngoài ra, Ban công tác sẽ khẩn trương xúc tiến công tác nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về hợp quy thiết bị đầu cuối theo chuẩn IPv6 tiến tới xây dựng một lộ trình và quy định thời điểm bắt buộc các thiết bị được sản xuất trong nước, được nhập khẩu vào Việt Nam phải được hợp chuẩn, hợp quy theo chuẩn IPv6.

Nguồn ICTnews