IMF cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới

Phát biểu trong chuyến thăm các nước châu Á, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Crixtin Lagácđơ (Christine Lagarde), cảnh báo một cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu mới đang gõ cửa tất cả các nền kinh tế thế giới. Bà đồng thời nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ đối tác và phục hồi kinh tế là con đường chung dẫn đến ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ngày 9-7, bà Lagácđơ nêu rõ nền kinh tế thế giới hiện trở nên đáng lo ngại hơn so với nhiều tháng trước đây với các chỉ số hoạt động kinh tế như đầu tư, việc làm, công nghiệp… đều xấu hơn không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin. Thế giới phụ thuộc nhiều vào các hành động chính sách đúng đắn để vượt qua khủng hoảng, tránh được các tác động đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc IMF nêu rõ giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu mới này cần đặt trên sự hợp tác quốc tế. Tăng cường phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) có thể làm tăng tổng sản phẩm nội địa toàn cầu lên 7% và tăng thêm 36 triệu việc làm trong thời gian trung hạn. Bà Lagácđơ nhấn mạnh hành động chính sách tập thể sẽ đem lại lợi ích cho tất cả. IMF đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ tương tác giữa các nước và các tác động của chính sách của nước này đến nước khác. Các bước đi quan trọng này cần hành động phối hợp để phá vỡ các dây chuyền chính của cuộc khủng hoảng: nợ công cao, ngân hàng yếu và tăng trưởng yếu nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tổng Giám đốc IMF nêu bật 3 nhiệm vụ cấp thiết cần hành động chính sách tập thể. Một là khôi phục sức mạnh ngân sách công. Các nước cần hành động quyết định để giải quyết nợ công đang đè nặng lên phát triển và gây sức ép lớn lên thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, cần điều chỉnh dần dần với nhịp độ không gây hại tiến trình phục hồi kinh tế. Hai là sửa chữa và cải tổ khu vực tài chính. IMF nhấn mạnh các hành động tập thể xuyên thể chế, xuyên thị trường và xuyên biên giới để đảm bảo khu vực tài chính được điều chỉnh với quy chế tốt hơn, giám sát mạnh hơn và khuyến khích thích hợp hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ba là tăng trưởng bền vững trong đó cải tổ cơ cấu là chìa khóa đảm bảo phát triển bền vững các thị trường lao động, sản phẩm và dịch vụ. Các chương trình được IMF ủng hộ bao gồm các cải tổ này và các đối thoại chặt chẽ với các đối tác xã hội.

Theo TTXVN