Ăn hoa

Món Việt vốn tinh tế, góp phần vào sự tinh tế đó là cách ăn dựa vào sự kết hợp nguyên liệu hết sức độc đáo. Ví như cách người ta sử dụng các loại hoa (thường đóng vai trò như rau hoặc “chất thơm”) trong một số món ăn đặc biệt để tạo nên những hương vị tinh tế khó lẫn.

Nếu kể ra các loại hoa có thể sử dụng như một thứ rau giúp món ăn ngon và có hương vị riêng thì phải kể đến hoa bí, điên điển, lục bình, hoa chuối, so đũa, thiên lý, kim châm. Mỗi loại hoa thích hợp với những món ăn riêng, có hoa ăn sống được, hoa không, có hoa dùng cho món lẩu chua hợp, hoa thì ưa lẩu ngọt. Còn nếu là hoa để tạo hương đặc biệt thì có hoa lài, hoa bưởi, hoa cúc. Sau đây là những cách ăn kết hợp hoa đúng điệu nhất:

 Hoa thiên lý ngon nhất là xào với thịt bò, tuy nhiên, bạn vẫn có thể biến tấu xào với nghêu hay tôm đều được. Ngoài ra, trong các món lẩu ngọt hay lẩu nấm, có thêm hoa thiên lý sẽ ngon hơn. Vị hoa ngọt thanh và có mùi thơm ngai ngái tựa hoa khế, ăn vào sẽ cảm nhận được vị “hậu” ngọt nơi cuống lưỡi. Nếu không tìm được thiên lý thì hoa bí cũng là lựa chọn thay thế thích hợp bởi hoa bí xào thịt bò hay nấu lẩu cũng ngon không kém.

 Ngoài ra, với hoa bí, bạn có thể làm món hoa bí nhồi thịt hay nhồi cá băm đem chiên hoặc hấp cũng rất ngon. Nếu không có thời gian chuẩn bị cầu kỳ, chỉ cần luộc bông bí chấm với nước kho thịt, kho cá hoặc thậm chí nước tương cũng đủ làm chén cơm vơi nhanh.

Có những loại hoa đặc biệt thích hợp với các món chua như hoa chuối, hoa điên điển, lục bình, so đũa hay kim châm. Những loại hoa này nấu kèm canh chua cá hoặc dùng nhúng lẩu rất ngon. Riêng với hoa chuối, người ta còn dùng làm gỏi trộn kèm thịt gà, thịt vịt để ăn với cháo. Chỉ cần bào mỏng bắp chuối, ngâm với nước có chút nước chanh cho trắng rồi trộn với giấm đường, rau thơm là đã có đĩa gỏi bắt mắt, vừa miệng. Ngon hơn nữa có thể dùng băp chuối nấu canh chua với lươn. Theo kinh nghiệm dân gian thì lươn nấu chuối sẽ không bị tanh, lươn cũng mềm và thơm hơn. Khi nấu, tốt nhất là để lươn nguyên con, không cắt khúc.

Còn với hoa điên điển hay lục bình thì người miền Tây chuyên dùng để “trị” món mắm kho, ăn tới đâu, chấm rau tới đó, thế nào nồi cơm cũng hết veo. Hay như so đũa nấu với cá linh mùa nước nổi thì chả gì sánh bằng.

Không chỉ góp mặt trong nhiều món ăn mặn, với các món ngọt, cụ thể là chè hay sâm, các nguyên liệu hoa cũng có mặt. Lúc này, hoa đóng vai trò tạo mùi thơm thanh tao cho món ăn. Ví như món chè sen hay chè long nhãn, có thêm vài nụ hoa bưởi hay hoa lài tươi thay vì sử dụng tinh dầu hoa, món ăn sẽ ngon và đẹp mắt hơn nhiều. Còn với món nước sâm hay sâm bổ lượng giải nhiệt thì nên có vài đóa bông cúc trắng phơi khô nấu cùng, trông rất… đúng điệu.

Tóm lại, sự kết tinh của “hoa” trong món ăn Việt hết sức độc đáo mà nếu thiếu nó, món ăn sẽ bớt đi một phần hương sắc.

Nguồn Phụ nữ Online