Cây trôm trong xu thế phát triển

Hiện nay, cây trôm đã trở thành cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao tại các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân… thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cây trôm phát triển đã giải quyết nhiều việc làm cho cư dân địa phương…

Có thể nói, giá trị kinh tế nhất mà cây trôm mang lại cho con người, đó chính là mủ trôm. Bởi trong mủ trôm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc… Chính lẽ đó, hiện mủ trôm rất được ưa chuộng trên thị trường. Ngoài giá trị lấy mủ, trôm còn là loại cây thân gỗ to, có thể dùng làm bao bì, bột giấy, ván sợi gỗ. Nếu phát triển, còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc… Diện tích cây trôm ở Tuy Phong hiện ở khoảng 378 ha. Trong đó những vùng có diện tích trồng trôm lớn là xã Vĩnh Hảo (300ha/220 hộ), Vĩnh Tân (75 ha/142 hộ) và Phong Phú (5 ha/5 hộ). Ngoài ra, một số xã khác có cây trôm nhưng diện tích không đáng kể. Một trong những hộ tiên phong đầu tư trồng cây trôm ở Vĩnh Hảo là gia đình anh Trịnh Toàn (xóm 1A, thôn Vĩnh Sơn). Gia đình anh bắt đầu trồng thử 2 ha trôm với mật độ khoảng 1.000 cây/ha, vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng/ha. Đến năm thứ ba, thứ tư, trôm đã bắt đầu cho thu hoạch mủ. Sau đó, thấy hiệu quả gia đình anh Toàn tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên gần 50 ha, trong đó có khoảng 30 ha đã cho mủ. Từ hộ anh Toàn, nhiều gia đình xung quanh bắt đầu phát triển và đầu tư mở rộng diện tích.

Cây trôm mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân Ảnh: Đ.Hòa

Bên cạnh việc tự nhân rộng diện tích trồng cây trôm của người dân, vào năm 2006, huyện Tuy Phong được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thực hiện chương trình khuyến lâm từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Theo đó, với diện tích ban đầu là 6 ha, bà con được hỗ trợ 60% giống và 40% vật tư. Mục đích, nhằm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích rừng trồng bằng cây trôm chịu hạn. Đồng thời chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc và khai thác cây trôm, định hướng mở rộng diện tích trên toàn địa bàn huyện.

Đến nay, bên cạnh sản phẩm từ cây thanh long, cao su… cây trôm hiện đã trở thành một trong những loại cây lợi thế của tỉnh. Riêng đối với Tuy Phong, theo Phòng Nông nghiệp& PTNT huyện, cây trôm đã trở thành cây trồng có lợi thế trên địa bàn. Lý do, có thể bởi điều kiện thổ nhưỡng tại những vùng đất này có hàm lượng chất khoáng cao, ảnh hưởng từ nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo. Ngoài ra, nhờ trồng cây trôm, địa phương đã tận dụng được những diện tích đất trước đây bị bỏ hoang, những diện tích không chủ động nước tưới, đất đồi…

Về hiệu quả kinh tế, theo một số hộ trồng trôm ở xã Vĩnh Hảo, năng suất bình quân mủ trôm hiện nay đạt khoảng 300 kg/ha/năm, có thể cho thu nhập 24 triệu đồng/ha/năm. Hiện ở Tuy Phong có 1 cơ sở thu mua và chế biến sản phẩm mủ trôm là Công ty TNHH mủ trôm Liên Hảo. Đây là doanh nghiệp chuyên chế biến mủ trôm khô, đóng gói thành phẩm dùng làm nước giải khát. Ngoài ra còn có trên 30 hộ chuyên thu mua sản phẩm mủ trôm để tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do diện tích trôm được mở rộng, nên giá mủ hiện nay đã giảm khá mạnh. Bình quân giá mủ tươi khoảng 80 ngàn đồng/kg và mủ khô 180 ngàn đồng/kg.

Việc phát triển cây trôm tại huyện Tuy Phong đang có xu hướng mở rộng quy mô, diện tích trồng. Tuy nhiên, hiện phong trào trồng trôm của địa phương chủ yếu vẫn là tự phát chứ chưa có định hướng, thiếu bền vững và đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, nếu được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức thì cây trôm sẽ là cây trồng rất triển vọng ở vùng đất thừa nắng thiếu mưa này. Ngoài ra không những trở thành cây trồng lợi thế của địa phương, mà còn là cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Nguồn Báo Bình Thuận online