Ứng xử với nhau bằng lời nói

(NTO) Trong cuộc sống, sự giao tiếp giữa con người với nhau, ngôn ngữ chính là công cụ “đặc biệt” giúp chúng ta trao đổi với nhau. Lời nói quyết định rất lớn đến cách xử sự nên phải gìn giữ lời nói.Tất cả những sự thị phi cũng từ lời nói mà ra.

Lời nói ngọt ngào, khoan dung chắc chắn sẽ khiến cho người khác nghe thấy êm tai. Mềm mỏng để thuyết phục người đã là một nghệ thuật nhưng xét trên khía cạnh giáo huấn thì khi trách người khác cũng là cả một nghệ thuật không kém. Không phải ai cũng có khả năng trách người khác, nếu xử lý không khéo, không thuyết phục thì sẽ bị người khác trách ngược trở lại với lời lẽ sâu xa không kém. Vậy muốn trách người khác cần phải “xét mình”, lắm khi mình lại nhiều lỗi lầm hơn người ta thì vô tình tạo cơ hội cho người ta trách ngược lại mình thì chẳng hay ho gì. Tùy theo đối tượng mà sử dụng những lời lẽ trách cứ khác nhau sao cho “phù hợp”. Không nên trách cứ họ trước mặt những người khác vì đó chính là sự xúc phạm. Đối với người ít học, nhận thức kém thì lời trách cứ nhẹ nhàng, vừa đủ để họ “thấm thía” sai phạm của mình. Ta có thể trách trước nhưng sau đó nói vài lời động viên sẽ có tác dụng rất lớn. Tùy theo đối tượng mà suy tính để lời trách nhẹ nhàng và hàm súc. Nếu như cảm thấy mình nói sai thì không ngại xin lỗi, tự hạ thấp mình để làm gương trước.

Bản tính con người vốn không muốn nhận lỗi về mình mỗi khi sai phạm điều gì đó. Vậy muốn người ta thành tâm chuyển ý không gì hiệu nghiệm bằng lời nói. Lời nói nhẹ nhàng tình cảm có lý, có tình, phân tích phải trái, đúng sai để người sai hiểu ra đồng thời họ cũng cảm nhận được tình cảm từ sự chân thành yêu thương của người góp ý. Nếu làm được như vậy cuộc sống sẽ có thêm nhiều tình bạn và bớt đi những mối hiềm khích.