Việt Nam - Campuchia: Không thể tách rời

Khoảng thời gian 45 năm qua đã chứng kiến một chặng đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng vẫn luôn sáng ngời tình cảm gắn bó máu xương, cùng khổ - cùng vui của tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc láng giềng Việt Nam - Campuchia.

Ngày 24/6 đánh dấu tròn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Chặng đường tiếp theo của tình hữu nghị này phụ thuộc chính vào thế hệ trẻ 2 nước. Chính vì vậy, chăm lo cho thế hệ trẻ cũng chính là nuôi dưỡng tương lai tốt đẹp của 2 nước.

 
Tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào - Campuchia không thể tách rời (Ảnh: Thông tin đối ngoại) 

Hiện có hơn 1.000 lưu học sinh Campuchia đang theo học tại nhiều trường đại học của Việt Nam, trong đó nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ từ phía 2 Nhà nước thì từ đầu năm nay, nhiều thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng đang nhận đỡ đầu các sinh viên Campuchia - một hoạt động mà bản thân các gia đình cho là nhỏ, nhưng rõ ràng là đang rất có ý nghĩa đối với mối quan hệ truyền thống không thể tách rời Việt Nam - Campuchia. 

Ngày cuối tuần sau kỳ thi hết năm học, 4 bạn sinh viên Campuchia Nai SeangThaing, Vai Savta, Sophat và Thon lại tập trung ở nhà bố Quang Bích ăn tối và kể với gia đình bố nuôi người Việt về những ngày thi vừa qua. Theo học ở 3 trường đại học khác nhau của Hà Nội, cũng không phải là anh em ruột, nhưng suốt nửa năm qua, 4 bạn trẻ này đã thân thiết với nhau như người nhà khi cùng được gia đình bố Quang Bích nhận đỡ đầu làm con nuôi tại Việt Nam. Việc học tập xa nhà, nhờ thế, cũng đỡ vất vả hơn. 

Bạn Nai SeangThaing, sinh viên năm thứ 2, Đại học Dược Hà Nội cho biết: "Em có bố nuôi rất vui, coi gia đình bố nuôi như gia đình của mình." 

Còn bạn Vai Savta, sinh viên năm thứ 4, Đại học Bách khoa Hà Nội: "Bố nuôi coi bọn em như con, thường xuyên gọi bọn em đến nhà bố chơi." 

Bữa tối sum họp không chỉ có 4 người con nuôi, mà còn có thêm 1 đồng nghiệp và cũng là đồng hương Campuchia của cô con gái nuôi duy nhất. Vốn tiếng Khmer nhờ hơn 14 năm công tác ở nước bạn Campuchia đã giúp bác Bích có thể trò chuyện với các con nuôi cả bằng tiếng Việt, và tiếng Khmer để đồng nghiệp của con gái nuôi cũng có thể hiểu. 

Bác Lý Quang Bích, Cựu cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Campuchia cho biết: "Ăn gạo, uống nước của Campuchia hơn 10 năm trời nên tôi rất thông cảm với các cháu Campuchia. Mặc dầu ta có sự quan tâm nhất định, nhưng cuộc sống của các sinh viên vẫn có khó khăn nên khi Việt Nam có chủ trương đỡ dầu thì tôi là một trong những người xung phong nhận đỡ đầu. Qua mấy tháng thì tôi thấy các cháu rất ngoan ngoãn, chịu khó học, rất tình cảm. Các cháu coi tôi như người bố, người anh..." 

Voin Sophat, sinh viên năm cuối, Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ: "Khi em đc nhận làm con nuôi ở Việt Nam thì cuộc sống của em vui hơn, ấm áp hơn. Khi có khó khăn thì em có thể nói chuyện với bố và anh chị ở đây, để anh chị giúp giải quyết vấn đề. Còn trước đây có vấn đề gì thì đều phải tự giải quyết." 

Cùng với bác Bích, 13 gia đình cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện khác cũng đang nhận đỡ đầu hơn 40 lưu học sinh Campuchia đang học tập tại các trường đại học Việt Nam. 

Ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết, thành viên của Hội phần lớn là những người từng công tác tại Campuchia, chính vì vậy, hơn ai hết, họ hiểu được tầm quan trọng của việc vun đắp cho mối quan hệ truyền thống, không thể tách rời giữa 2 dân tộc láng giềng, mà hạt nhân và sứ giả của tình hữu nghị đó chính là các bạn trẻ: "Campuchia và cả Lào nữa là 2 nước láng giềng anh em, gần gũi chúng ta, giúp đỡ chúng ta. Bây giờ mình quan tâm tới các cháu - những cầu nối để xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Campuchia. Trong tương lai, quan hệ của 2 nước là thế hệ trẻ ngày hôm nay. Tôi hiểu điều đó và cũng cố gắng có hoạt động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ này." 

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng đã tham gia giúp đỡ hàng trăm sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam. Sắp tới, cũng sẽ có nhiều hơn nữa các sinh viên Campuchia được cảm nhận tình cảm gia đình Việt giống như 4 bạn trẻ này. 

Hè này, khi về nước, câu chuyện mà Sophat, SeangThaing, Savta, và Thon kể với gia đình mình về Việt Nam… không chỉ có việc học tập, mà còn có cả những câu chuyện về gia đình thứ hai của họ ở Việt Nam.

Nguồn VTV.VN