Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 15/6, ngày làm việc cuối cùng của phiên chất vấn, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn Phó Thủ tướng khá rộng, từ tái cơ cấu nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chính sách xã hội đến cải cách hành chính, chống tham nhũng... Đặc biệt, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty là nội dung được các đại biểu đề cập nhiều lần tại phiên chất vấn.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
(Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Lê Quang Hiệp (đoàn Thanh Hóa) đặt vấn đề, hiện nay kinh tế có dấu hiệu suy giảm, doanh nghiệp (DN) phá sản, hàng tồn kho nhiều, thất nghiệp tăng, đời sống nhân dân khó khăn… Chính phủ có giải pháp gì? Liệu có kích cầu để đảm bảo tăng trưởng như Nghị quyết của Quốc hội? Nếu có thì bao giờ thực hiện?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Quang Hiệp, Phó Thủ tướng đã nêu lại một số giải pháp của Chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ DN, miễn giảm thuế.

Với câu hỏi liệu đó có phải là kích cầu không, Phó Thủ tướng khẳng định: Đó chỉ là các biện pháp gói hỗ trợ thôi, chứ không phải kích cầu.

“Với các giải pháp này, nếu thực hiện tốt, chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng đặt ra là GDP tăng 6%, lạm phát 7-8% trong năm nay” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết ý kiến liệu nền kinh tế có rơi vào tình trạng suy giảm không? Nếu có thì ở mức độ nào và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng lạc quan cho rằng, chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và có xu hướng phát triển tốt. Quý II tăng trưởng cao hơn, doanh nghiệp ít phá sản hơn, hàng tồn ít hơn... Phó Thủ tướng khẳng định, gói hỗ trợ 29.000 tỷ từ trái phiếu Chính phủ vừa qua nằm trong chương trình, kế hoạch, vì thế sẽ không dẫn tới lạm phát.

“Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhất quán chỉ đạo của Chính phủ, chứ không phải coi trọng tăng trưởng bỏ qua mục tiêu kiềm chế lạm phát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.Hồ Chí Minh) về nguyên nhân chậm thực hiện việc công bố các báo cáo tài chính, thông tin tài chính và thông tin kinh doanh, điều hành tập đoàn, tổng công ty theo tiêu chuẩn như các công ty niêm yết, Phó Thủ tướng đã thừa nhận là có chậm trễ, song cũng có nguyên nhân khách quan, cần có sự chuẩn bị kỹ càng và lần này sẽ thực hiện công khai minh mạch để giám sát tốt hơn.

Ở câu hỏi thứ hai, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề nợ xấu của ngân hàng thương mại đang là vấn đề lớn của vĩ mô, liệu có nguyên nhân do tập đoàn vay đầu tư không hiệu quả?

Công nhận nợ xấu có một phần của tập đoàn vay, đặc biệt một số tập đoàn vừa qua thua lỗ, tuy nhiên Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ không phải là cao. Phó Thủ tướng cho biết, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định nguyên nhân chính của nợ xấu không phải từ các tập đoàn thua lỗ này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên Huế) về trách nhiệm của các Bộ trong giám sát, quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, các bộ ngành đều có trách nhiệm quản lý vốn và tài sản của nhà nước. Không nêu cụ thể trách nhiệm của từng Bộ với những sai phạm cụ thể ở Vinashin, Vinalines, song Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xác định rõ vấn đề này khi sửa Nghị định. Hiện nay Chính phủ đang nợ 7 Nghị định về quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chậm nhất quý 3/2012 sẽ hoàn thành và công khai minh bạch để dân biết.

Một số đại biểu khác cũng chất vấn Phó Thủ tướng về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đang trình Quốc hội.

Cho rằng đề án tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) muốn biết Chính phủ đã chắc chắn việc tổ chức thực hiện đề án chưa? Nếu không thành công, không đạt kết quả thì trách nhiệm thuộc về ai?

Phó Thủ tướng trả lời, Quốc hội đánh giá đề án tái cơ cấu đã được xây dựng công phu và căn cứ vào kết luận của Quốc hội, Chính phủ sẽ bổ sung biện pháp ở các nội dung mà đại biểu cho là chưa khả thi.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét, trong đề án chưa thấy các biện pháp đột phá cho văn hóa, giáo dục, phúc lợi, an sinh xã hội…

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng hứa “sẽ tiếp thu những mặt tồn tại của đề án để hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh trong tái cơ cấu” và khẳng định Chính phủ và các cơ quan đã rất cố gắng. Quốc hội sẽ có kết luận về đề án, để trên cơ sở đó Chính phủ bổ sung chủ trương, biện pháp, làm sao sớm tái cơ cấu nền kinh tế.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ hiểu rằng bản chất của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực, đem lại hiệu quả cao hơn, trong đó có nguồn lực lao động, để khai thác tối đa nguồn lực lao động. Muốn làm vậy phải đẩy mạnh văn hóa, giáo dục, đào tạo…”.

Đề án hiện chưa dành kinh phí cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội, Phó Thủ tướng ghi nhận đóng góp của đại biểu. Đây là vấn đề quan trọng, cần có ngân sách.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính cũng đã báo cáo về chương trình ODA hỗ trợ các vấn đề xã hội trong tái cơ cấu. Với các giải pháp nêu trên, Phó Thủ tướng tin rằng trong tái cơ cấu, các vấn đề xã hội sẽ được quan tâm giải quyết. Việc này sẽ được báo cáo hàng năm với Quốc hội cũng như sẽ được đề cập đúng mức trong thảo luận ngân sách.

*Cũng trong sáng 15/6, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo quan trọng, làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam