Hơn 99% kiến nghị của cử tri được giải quyết và trả lời

UBTVQH thông báo, tại kỳ họp thứ 2 (từ ngày 20/10 - 26/11/2011), Quốc hội nhận được 1.678 kiến nghị của cử tri cả nước. Đến nay, các cơ quan liên quan đã giải quyết và trả lời 1.672 kiến nghị của cử tri (chiếm hơn 99%).

UBTVQH cho biết, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC đã tiếp thu, giải quyết và cơ bản trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2.

Tiếp thu kiến nghị cử tri, Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiều dự án được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như: Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, Luật Tiền lương, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Nghĩa vụ quân sự.

Tiếp thu, giải quyết kiến nghị bằng hệ thống chính sách

Đối với Chính phủ, việc tiếp thu kiến nghị được thể hiện bằng chính sách hỗ trợ đối với người sản xuất nông- lâm nghiệp, thuỷ sản; chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người có công; nâng cao công tác quản lý và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng một số dự án công trình; công tác bảo đảm an toàn, giảm thiểu tai nạn, chống ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; phòng chống ô nhiễm môi trường.

Qua kiến nghị của cử tri, Tòa án NDTC và Viện Kiểm sát NDTC đã tăng cường kiểm tra hoạt động xét xử của cấp dưới, nhất là đối với các vụ án dân sự, kinh tế; khắc phục khuyết điểm, thiếu sót trong xét xử các vụ án hành chính có tỷ lệ bị hủy, sửa nhiều; sửa đổi, bổ sung chế độ bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân khi tham gia phiên toà.

Tuy nhiên UBTVQH cũng cho biết, vẫn còn một số cơ quan trả lời kiến nghị cử tri còn chậm, cá biệt có trường hợp chưa trả lời đầy đủ nên đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội không kịp tổng hợp, thông báo đến cử tri tại các buổi tiếp xúc.

Về một số kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội nhiều lần như giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất..., UBTVQH cho biết các chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về nội dung trên ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn, cơ bản đã giải quyết được những quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên cuộc sống người dân ở một số khu tái định cư chưa được đảm bảo (xã Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình; xã Ngọc Lâm, tỉnh Nghệ An...); quy hoạch tái định cư chưa phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con; đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm. Do đó, Quốc hội kiến nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tái định cư và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện khung giá đất và chính sách bồi thường hợp lý cho người dân.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương có biện pháp tích cực khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng chính sách pháp luật; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư; đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất sản xuất.

Tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận nguồn tín dụng

Về kiến nghị chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác, Chính phủ đã cắt giảm thủ tục, tạo sự thuận tiện tiếp cận vốn ngay tại cơ sở thông qua tổ tiết kiệm, được cử tri hoan nghênh, đánh giá cao.

Hơn 11,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, thu hút, tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động; giúp 2,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng 3,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 419 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách;...

Tuy nhiên nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp trước nhu cầu vay ngày càng lớn. Hiện nguồn vốn mới đáp ứng được 1/2 quy định mức cho vay tối đa (30 triệu đồng/hộ).

Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có mức lương thấp từ 3,0 trở xuống, đang có con theo học đại học, có nhu cầu vay vốn nhưng lại không được vay vốn tín dụng ưu đãi; chính sách ưu đãi còn chồng chéo giữa các bộ, ngành khiến nhiều hộ gia đình có thể vay ở nhiều chương trình khác nhau.

Để giải quyết tồn tại, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu mở rộng đối tượng cho vay tín dụng ưu đãi đối với những hộ gia đình khó khăn vùng bãi ngang ven biển, tại các khu tái định cư; xem xét, nâng mức cho vay ở một số chương trình trong đó có vay làm nhà ở, vay học sinh, sinh viên… để phát huy được hiệu quả của vốn vay.

Nguồn www.chinhphu.vn