Cơ quan nào sẽ quản lý nhà nước về quảng cáo?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII, sáng 30/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất bản (sửa đổi); Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo.

Quốc hội làm việc tại Hội trường, về dự án Luật Xuất bản và dự thảo Luật Quảng cáo
(Ảnh: Mạnh Hùng)

Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) vẫn được giữ nguyên về bố cục tổng thể của Luật Xuất bản hiện hành, theo kết cấu 5 chương với 50 điều (tăng 04 điều so với Luật Xuất bản hiện hành).

Theo Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất bản (sửa đổi), Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Xuất bản lần này phải tập trung vào những vấn đề căn bản nhằm hoàn chỉnh hành lang pháp lý để vừa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, vừa điều chỉnh được những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động xuất bản, đồng thời tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hoá - tư tưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Luật cần thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng, hoàn chỉnh hệ thống chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; hoàn thiện cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ngành xuất bản phát triển và hội nhập.

Luật Xuất bản được Quốc hội ban hành năm 2004, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản (bao gồm cả in và phát hành xuất bản phẩm), phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Xuất bản năm 2004 qua 6 năm thi hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như sau: Một số quy định chưa cụ thể, bất cập như: Phạm vi điều chỉnh, chính sách hỗ trợ cho hoạt động xuất bản, đối tượng thành lập nhà xuất bản, điều kiện thành lập nhà xuất bản, liên kết trong hoạt động xuất bản, xuất bản và phát hành sách trên mạng internet,v.v... Một số quy định của Luật hiện hành còn mang tính chất nguyên tắc chung, chưa được cụ thể hóa nên rất khó thực hiện trong thực tiễn.

Trong 6 năm qua, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước ta đã có những biến đổi nhanh chóng. Trong hoạt động xuất bản đã xuất hiện nhiều quan hệ xã hội mới, nhiều hiện tượng mới phát sinh mà những quy định của Luật Xuất bản hiện hành không điều chỉnh được hoặc thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn với những văn bản Luật có liên quan (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, …) nên gây khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện. Trước xu thế phát triển nhanh của công nghệ thông tin ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản, quy định của Luật về xuất bản trên mạng internet chưa theo kịp sự phát triển và còn quá sơ sài, cần thiết phải sửa đổi cho cụ thể, đầy đủ và phù hợp hơn với thực tiễn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển đúng định hướng trong thời kỳ mới, khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đề cao trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản, yêu cầu sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành, tăng cường khung pháp luật về hoạt động này là rất cần thiết và đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) thảo luận tại Hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng)

Thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quảng cáo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, thời lượng quảng cáo.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, trong phiên thảo luận sáng nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Hồng Thắm, (đoàn Cần Thơ) cho rằng, nên giao cho Bộ thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. Lý do là: Hơn 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử, thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Phước (đoàn Bình Dương), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội), Phạm Thị Phương (đoàn Hà Tĩnh), Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) lại nhất trí với dự thảo Luật là giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Theo đại biểu Lê Hữu Phước (đoàn Bình Dương), quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung. Sản phẩm quảng cáo ngoài việc đảm bảo tính thông tin, chính xác, còn phải đảm bảo tính văn hóa, thẩm mỹ, phù hợp với chuẩn mực và thuần phong mỹ tục của nước ta. Vì vậy, giao cho Bộ Thông tin và truyền thông là hợp lý và các bộ, ngành khác phối hợp quản lý theo chức năng của mình.

Về danh mục 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, các đại biểu cho rằng, còn nhiều mục chưa cụ thể, không có tiêu chí để xác định vi phạm nên dễ bị chi phối bởi nhận thức của từng người…Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm quảng cáo rượu nói chung chứ không chỉ cấm quảng cáo rượu trên 15 độ như trong dự thảo; bổ sung quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi; cân nhắc hành vi quảng cáo để làm từ thiện của doanh nghiệp nhưng trong thực tế không phải như vậy…

Về định mức 10% thời lượng quảng cáo trên truyền hình, một số đại biểu cho rằng, tỷ lệ này cần phải được cân nhắc. Việc quy định như vậy sẽ khó khả thi trên thực tế, hạn chế nguồn thu từ quảng cáo. Một số đại biểu hoan nghênh việc dự thảo bổ sung quy định quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phù hợp với sự phát triển của loại hình báo này trên thực tế.

 

Đại biểu Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) nhất trí với dự thảo Luật là giao cho
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Ảnh: Mạnh Hùng)

Về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật về việc bỏ giấy phép quảng cáo đối với loại hình này.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải chia thành hai loại là quảng cáo dài hạn và quảng cáo tức thời; cần phải quy định về kích thước bảng quảng cáo đặt trên đường quốc lộ, bảng quảng cáo đặt trong đô thị, khu dân cư và phải đảm bảo thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị có thêm điều về thời gian quảng cáo: Quảng cáo bằng hình thức treo băng rôn, pano, áp-phích, thời gian tổ chức ngắn ngày, không quá 10 ngày, tối đa là 1 tháng; sau đó, có thể gia hạn băng rôn, áp phích treo tại các cửa hàng tư nhân. Quảng cáo trên bảng quảng cáo có tường, cột trụ lớn, trên các phương tiện giao thông … thời gian quảng cáo từ 6 tháng cho đến 12 tháng./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam