Ấn Độ tăng tốc kết nối với ASEAN

Nằm ở khu vực Nam Á, Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng của khối ASEAN. Đa số thành viên của ASEAN có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử với Ấn Độ, trong đó Myanmar là thành viên duy nhất có biên giới chung với đất nước Nam Á này. Trên danh nghĩa là nền kinh tế mới nổi, New Delhi chưa bao giờ khao khát đẩy nhanh tốc độ kết nối với ASEAN như hiện nay.

Trang mới trong quan hệ với Myanmar

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 27-5 có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Myanmar, nước láng giềng có tính chiến lược với New Delhi. Chuyến thăm của Thủ tướng Rajiv Gandhi gần đây nhất là vào năm 1987. Nhưng do hàng loạt cuộc đảo chính quân sự diễn ra sau đó, Myanmar trở thành đất nước khép kín với bên ngoài.

 
Tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Tháng 10-2011, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã có chuyến thăm mang tính lịch sử tới Ấn Độ. Đây là một trong những chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ Myanmar ra nước ngoài, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.

Hiện có khoảng 2,5 triệu người gốc Ấn đang sinh sống tại Myanmar. Ấn Độ và Myanmar có chung 1.600km đường biên giới đất liền và chung ranh giới biển tại vịnh Bengal. Kim ngạch thương mại hai chiều tại biên giới hai nước đạt 12,8 triệu USD trong tổng số kim ngạch 1 tỷ USD năm 2010-2011. Do đó, Myanmar được xem là cầu nối giữa Ấn Độ với ASEAN. Ngược lại, với quy chế là quan sát viên của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Myanmar là cầu nối giữa ASEAN với SAARC.

Hiện Ấn Độ có nhiều dự án hạ tầng ở Myanmar như dự án nâng cấp 160km đường Tamu-Kalewa-Kalemyo, dự án xây dựng và nâng cấp đường Rhi-Tiddim… Ấn Độ cũng đã hoàn tất dự án ADSL tốc độ cao kết nối 32 thành phố tại Myanmar.

Kết nối nhanh hơn với ASEAN

Tăng cường quan hệ với Myanmar, ngoài việc là một phần chiến lược hướng Đông của Ấn Độ còn có mục tiêu lớn hơn là kết nối nhanh hơn với ASEAN.

Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14 khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 27-5 nhằm đánh giá lại tiến trình hợp tác ASEAN - Ấn Độ và định hướng tương lai. Hội nghị trong ngày này thảo luận về phát triển tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Lào - Việt Nam - Campuchia và mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Lào và Campuchia. Hội nghị cũng xem xét việc thực thi kế hoạch hành động đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung (giai đoạn 2010-2015); khu vực Tự do Thương mại ASEAN - Ấn Độ cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Đây là hội nghị trù bị cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45, Hội nghị cấp bộ trưởng bưu chính, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 19, Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á từ ngày 9 đến 13-7 và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10 vào tháng 11 tới ở Phnom Penh.

Theo báo Telegraph của Ấn Độ, xuất khẩu của Ấn Độ vào Đông và Nam Á chỉ chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn 2000-2001 nhưng hiện nay đã tăng lên 35%, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang EU và Bắc Mỹ giảm từ mức 45% xuống còn 28% trong cùng kỳ.

Với nhu cầu năng lượng tăng nhanh để phục vụ cho kinh tế, Myanmar là nguồn cung cấp năng lượng khả thi nhất cho Ấn Độ khi trữ lượng khí tự nhiên của nước này đứng thứ 10 trên thế giới với trữ lượng ước tính 2,5 ngàn tỷ m³ tại 19 mỏ trong đất liền và 3 mỏ lớn ngoài khơi.

Trong khi đó, Indonesia là nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới. Malaysia và Indonesia đứng thứ hai và ba trên thế giới về xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. ASEAN đang hoàn tất mạng lưới kết nối các đường ống dẫn khí đốt. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Ấn Độ giao thương về năng lượng với ASEAN.

Nguồn SGGP Online