Đề phòng bệnh lạ xuất hiện trên tôm nuôi

(NTO) Trở lại vùng nuôi tôm dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam), chúng tôi cảm nhận được không khí trầm lặng khi nhìn thấy khá nhiều ao đìa bỏ không. Trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh lạ làm tôm nuôi chết hàng loạt đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ. Một số hộ chọn giải pháp an toàn là ngưng sản xuất để xem thử tình hình.

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh, đến nay tổng diện tích tôm bệnh trên toàn tỉnh là 43,7 ha, tôm chết chủ yếu ở trà tôm từ 15-30 ngày tuổi với triệu chứng, dấu hiệu không rõ ràng. Cụ thể diện tích ao đìa bệnh có 26,7 ha ở huyện Thuận Nam, 14,9 ha thuộc khu vực đầm Nại (Ninh Hải) và 2,1 ha tại huyện Ninh Phước. Để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, Chi cục NTTS tỉnh đã nhiều lần lấy mẫu kiểm tra, ngoài một số mẫu có dấu hiệu do sốc môi trường ao nuôi thì phần lớn vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Không kể diện tích thả nuôi năm ngoái chuyển sang đã cho thu hoạch và diện tích có tôm bệnh, toàn tỉnh hiện có 195 ha diện tích đang nuôi, trong đó có một số diện tích tôm vẫn chết rải rác. Do tình hình bệnh còn diễn biến phức tạp, kết hợp chi phí sản xuất tăng cao (thức ăn, con giống, thuốc hóa chất…) nên người nuôi còn giữ lại tôm trong ao, tiếp tục nuôi để theo dõi. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh giải thích: “Hầu hết các ao đìa vùng An Hải, Phước Dinh có tôm đang bị bệnh đều thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng cần phân biệt đây là bệnh chứ không phải dịch. Hiện tượng bệnh xuất hiện không riêng gì tỉnh ta mà ở khắp cả nước, kể cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a”.

Đìa nuôi tôm của ông Trần Văn Xê (xã An Hải, huyện Ninh Phước) chuẩn bị vào vụ thả nuôi.

Chúng tôi được biết ngành chức năng đã khuyến cáo người nuôi chỉ nên thả nuôi từ đầu tháng 4 để hạn chế nhiễm bệnh tôm. Tuy nhiên nhiều hộ nuôi ở An Hải không cho là như vậy. Ông Trần Văn Xê, có 3 sào đìa đang trong giai đoạn cho nước vào chuẩn bị thả nuôi nói: “Vừa rồi các ao đìa có tôm nhiễm bệnh đều thả nuôi đúng lịch thời vụ nên theo tôi không phải do nuôi trái vụ. Điều đáng lo là bệnh phát nhanh, chỉ 15-20 ngày là tôm rớt đáy (chết) trong khi thường là tôm nuôi nếu phát bệnh phải sau 30 ngày”. Diện tích ao đìa tôm bệnh thiệt hại không lớn so với các tỉnh bạn nhưng đang là nỗi lo cho các hộ nuôi tôm tỉnh ta khi vào vụ. Ông Đỗ Văn Ngọ, một người nuôi tôm nổi tiếng từng được ngành Thủy sản tỉnh trước đây tuyên dương, có 7 ha ao đìa ở vùng Từ thiện (Phước Dinh) nhưng vụ này cũng chỉ dám thả nuôi 3 sào vì lo sợ thua lỗ. Ông ngán ngẩm cho biết: “Năm ngoái tôm đang nuôi bị bệnh phải bỏ đìa, chịu lỗ gần 800 triệu đồng, nay chỉ thả nuôi 2 ao mới được 73 ngày mà đã có 1 ao “bể” rồi…”.

Gần đây, nhằm hướng đến phát triển nuôi tôm theo hướng an toàn và bền vững, Chi cục NTTS tỉnh đã tham mưu thành lập Vùng nuôi an toàn (VNAT) Sơn Hải (Phước Dinh) với quy mô 21 ha và 20 hộ tham gia. Do cuối tháng 1, hầu hết hộ nuôi nhỏ lẻ đều bị thiệt hại nên từ tháng 2, các hộ nuôi lớn có tiềm lực kinh tế trong VNAT đã thả nuôi mới khoảng 8 ha. Tuy nhiên, cũng giống như các nơi trên địa bàn tỉnh, diễn biến bệnh tôm trong VNAT cũng phức tạp không kém, qua 2 tháng đã có gần 7 ha diện tích tôm bệnh, chiếm trên 85 % diện tích tôm thả. Trong VNAT hiện còn 1,2 ha đang nuôi ở giai đoạn 1,5-2 tháng tuổi, nhưng tỷ lệ sống thấp, dao động từ 40-60%, với biểu hiện tôm nuôi phát triển chậm, không đều. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay ngoài một số hộ thả nuôi với mật độ thấp nhằm thăm dò tình hình thời tiết, hầu hết các hộ trong VNAT Sơn Hải đang tập trung cải tạo ao đìa, nạo vét kênh mương, chờ tình hình thuận lợi sẽ thả giống đồng loạt.

Lần đầu tiên xuất hiện bệnh tôm không thuộc trong nhóm bệnh mà ngành chức năng đã phân tích, việc điều trị vì thế cũng chưa hiệu quả. Trong khi chờ tìm ra nguyên nhân, Chi cục NTTS tỉnh khuyến cáo người nuôi tuân thủ theo mùa vụ, mặt khác, Chi cục Thú y chuẩn bị sẵn phương án phòng, dập dịch khi có dịch bệnh tôm xảy ra.