Trường THCS An Dương Vương: Đồng hành cùng học sinh bảo vệ nguồn nước quê hương

(NTO) Ban quản lý dự án Nâng cao năng lực đánh giá, quản lý tài nguyên nước Việt Nam tại Ninh Thuận vừa tiến hành tổng kết hai năm thực hiện thí điểm mô hình Câu lạc bộ “Dòng sông quê em” tại Trường THCS An Dương Vương. Chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hai năm nhà trường đã đồng hành cùng học sinh bảo vệ nguồn nước quê hương

Được dự án “Nâng cao năng lực đánh giá, quản lý tài nguyên nước” (CAPAS) do Chính phủ Bỉ tài trợ và được Sở Tài nguyên - Môi trường chọn triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tháng 5 năm 2010, CLB Dòng sông quê em Trường THCS An Dương Vương đã được thành lập trên tinh thần tự nguyện của 30 học sinh năng động, sáng tạo trong các hoạt động phong trào thuộc tất cả các khối lớp của nhà trường. Đây là câu lạc bộ đầu tiên được thành lập trong tỉnh và là câu lạc bộ thứ 7 trên toàn quốc.

Học sinh thi vẽ tranh về chủ đề bảo vệ tài nguyên nước.

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, mô hình câu lạc bộ Dòng sông quê em là một hoạt động thiết thực và bổ ích trong học đường, là môi trường tốt để thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục về tài nguyên nước trước khi đưa vào chương trình giảng dạy theo đề án của dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia về tài nguyên nước.

Mô hình được xây dựng trong trường học nhằm mục đích thực hiện những hoạt động ngoại khoá giúp học sinh nâng cao kiến thức về tài nguyên nước, trau dồi kỹ năng truyền thông cộng đồng, phát huy vai trò xung kích tham gia các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ tài nguyên nước qua đó góp phần giúp mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn nước, thu hút cộng đồng chung tay bảo vệ tài nguyên nước quê hương. Sau hai năm hoạt động, dưới sự điều hành sáng tạo của các thầy cô trong Ban chủ nhiệm và sự năng nổ, tích cực, nhiệt tình của các thành viên, câu lạc bộ đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực.

Mô hình thành phố tương lai do học sinh Trường THCS An Dương Vương thiết kế.

Nhận thấy công tác tuyên truyền là vấn đề cần được quan tâm đầu tiên, câu lạc bộ đã nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước sạch cho học sinh và cộng đồng bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Những hội thi tìm hiểu kiến thức, thi vẽ tranh, hùng biện, biểu diễn tiểu phẩm…được tổ chức hàng tháng đã thu hút sự tham gia sôi nổi của hàng trăm học sinh. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền bằng khẩu hiệu, panô, diễu hành cổ động…cũng nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân địa phương. Bảng tin tài nguyên nước của nhà trường với cách trang trí bắt mắt, hình ảnh sinh động luôn đón nhận được sự theo dõi của học sinh mỗi ngày đến lớp. Đặc biệt ấn tượng là hình thức tuyên truyền bằng trình chiếu video. Những đoạn phim tư liệu như “Bức thư viết năm 2070”; “Giả sử khi ngày mai đến”…đã tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của học sinh, phụ huynh trong việc nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sạch.

Để phát huy tính tích cực, sáng tạo đồng thời nâng cao kỹ năng truyền thông cho học sinh, câu lạc bộ đã tổ chức được hai buổi truyền thông sáng tạo thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh và nhân dân địa phương. Ngày 15/10/2010- ngày hội “Nguồn nước quê em”  diễn ra với chương trình truyền thông đặc sắc, đa dạng với nhiều hình thức hấp dẫn, vui tươi. Các hoạt động được diễn ra trong một không gian mở đầy sắc màu trên các tuyến đường trục lộ của xã Xuân Hải, dọc theo kênh Bắc. Các đội tham gia đã biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang vì môi trường nước kết hợp diễu hành và cổ động bằng khẩu hiệu. Đó thực sự là một ngày hội của học sinh và nhân dân toàn xã Xuân Hải.

Năm học 2011-2012, câu lạc bộ tiếp tục tổ chức hoạt động truyền thông sáng tạo với chủ đề “ Nước sạch và vệ sinh môi trường”. Thông qua nhiều hoạt động sôi nổi như làm phóng sự ảnh Tiếng kêu cứu của nước, làm báo tường, vẽ tranh cổ động, xây dựng mô hình thành phố tương lai… Triển lãm đã thu hút đông đảo   cán bộ và nhân dân trong xã đến tham quan. Nhằm đa dạng hóa nội dung hoạt động, hưởng ứng ngày nước thế giới 22/3, trong hai năm qua, câu lạc bộ đều tổ chức liên hoan văn nghệ “Xanh mãi dòng sông” tại sân khấu ngoài trời với những tiết mục ca, múa, kịch đặc sắc ngợi ca những dòng dông quê hương, lên án hành động tàn phá môi trường, hủy hoại nguồn nước…Toàn bộ số tiền quyên góp từ chương trình đều được chuyển vào quỹ Thắp sáng ước mơ giúp cho một số thành viên khó khăn trong câu lạc bộ có điều kiện đến trường.

Không chỉ tổ chức các hội thi, hội diễn, các chương trình hành động thực tế, câu lạc bộ còn tiến hành dạy thí điểm việc lồng ghép nội dung bảo vệ nguồn nước vào chương trình học chính khóa ở các bộ môn: Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Tiếng Anh. Với những kiến thức và tình huống lồng ghép gần gũi, thiết thực, các tiết học đã khơi dậy sự say mê, hào hứng, giúp học sinh hiểu cụ thể sâu sắc hơn về sự cần thiết phải bảo vệ những dòng sông quê hương.

Với những đóng góp tích cực của thầy và trò trong công tác truyền thông bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nước, câu lạc bộ đã vinh dự được đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường. Cuối năm 2011, Ban quản lý dự án CAPAS do ông Rudolf H. Greulich dẫn đầu đến thăm và làm việc với câu lạc bộ  “Dòng sông quê em" của Trường THCS An Dương Vương. Các em nghe ông Rudolf H. Greulich nói về ý nghĩa toàn cầu của việc bảo vệ nguồn nước sạch và các hoạt động bảo vệ môi trường nước của các nước tiên tiến trên thế giới. Ông Rudolf H. Greulich cũng đánh giá rất cao các hình thức hoạt động của câu lạc bộ, nhất là sự cố gắng nỗ lực của các thầy cô trong Ban chủ nhiệm và sự năng động, nhiệt tình của các thành viên.

 Em Cao Tú Anh, học sinh lớp 8 Trường THCS An Dương Vương phấn khởi nói: "Chúng em rất tự hào vì được là thành viên của câu lạc bộ. Qua những lần sinh hoạt chúng em đã hiểu được rằng, nước là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Bảo vệ nước cũng có nghĩa là bảo vệ tương lai của sự sống trên hành tinh. Không chỉ vậy, những hoạt động vui tươi của câu lạc bộ còn giúp chúng em gắn bó, đoàn kết với nhau hơn, mạnh dạn, tự tin hơn. Em rất vui vì được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ những dòng kênh, con suối quê hương".