Cần chú ý vai trò của khu vực tư nhân trong chiến lược tăng trưởng xanh

Ngày 14/5 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.

Tại hội thảo, các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế đánh giá cao Dự thảo Chiến lược này. Các đại biểu cho rằng, Chiến lược sẽ giúp Việt Nam từng bước chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, có năng suất lao động cao hơn cũng như đảm bảo cân đối giữa các ưu tiên về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhiều ý kiến của các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong nước cho rằng khu vực công tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc khởi xướng, hỗ trợ và tạo điều kiện để tăng trưởng xanh trở thành hiện thực. Nhưng để chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch hơn, cung cấp năng lượng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thì cần phải có các sáng kiến và các khoản đầu tư của khu vực tư nhân. Cần nhìn nhận và đánh giá cao hơn về tầm quan trọng của khu vực tư nhân vì nếu không có sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân thì sẽ không thể thực sự bước vào con đường tăng trưởng xanh.

Chiến lược của Việt Nam cũng cần có sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ cũng như cần huy động tài chính từ nhiều phía để đạt được hiệu quả cao.

Theo đại diện Đại sứ quán Australia, cơ chế vốn cần được thể hiện rõ và chi tiết hơn trong Chiến lược. Ngoài ra cần có cơ chế ưu đãi đối với khu vực kinh tế tư nhân khi họ tham gia thực hiện trong một số lĩnh vực. Đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng, để thực hiện tăng trưởng xanh, cần huy động nguồn lực toàn xã hội, đặc biệt là xã hội dân sự vì các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhận thức của người dân về tăng trưởng xanh trong thời gian tới. Còn theo đại diện của Đại sứ quán Thụy Sỹ và Bỉ, cần chú ý hơn đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong thực hiện chiến lược để tranh thủ được nguồn vốn hơn nữa thông qua các dự án của tổ chức phi chính phủ sẽ giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thực hiện tăng trưởng kinh tế xanh.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lại cho rằng, nội dung Chiến lược cần nêu các giải pháp cụ thể về việc tạo ra “việc làm xanh”, vì đây sẽ là động lực giúp thực hiện tốt hơn chiến lược tăng trưởng xanh.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh sẽ là cơ sở để từ đó tái cấu trúc, nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam nhấn mạnh vào phát triển chính sách, cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách tài khóa, tạo dòng vốn đầu tư nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cabon thấp, tăng hàm lượng xanh trong tăng trưởng GDP và tạo việc làm xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Do vậy, sau khi tham vấn các ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để trình Chính phủ vào tháng 6/2012.

Theo mục tiêu của Dự thảo Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đến năm 2020 sẽ giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 2,5-3%/năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10-15% so với mức 2010.

Nguồn www.chinhphu.vn