Lâm Thị Nhung, với “bí quyết” học giỏi môn Văn

(NTO) Lâm Thị Nhung (ảnh), học sinh lớp 12 Chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn là học sinh vừa đoạt giải ba môn Văn trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012.

Lâm Thị Nhung

Nhung cũng là một học sinh có thành tích dẫn đầu lớp về môn Văn trong nhiều năm liền và từng đoạt giải 3 môn Văn, lớp 9 trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS huyện Ninh Hải; là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Văn của tỉnh, tham dự kỳ thi Olympic 30-4 năm 2010.

Với nhiều học sinh, Văn vẫn luôn được xem là môn học “khá mông lung” bởi lượng kiến thức rộng. Đây cũng là môn học rất khó đạt được điểm cao ngay cả với nhiều học sinh có năng khiếu. Vậy nên, để đạt được những kết quả trên, dù chưa phải là quá xuất sắc nhưng cũng đã đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn. Theo Nhung thì với bất kỳ một môn học nào, nhất là với môn Văn, muốn học giỏi trước hết phải có niềm đam mê và ý thức “khổ luyện”. Nhung cho biết: “Em nghĩ, người học Văn trước hết phải đọc nhiều, chịu khó suy nghĩ và viết thường xuyên để rèn luyện”. Nhung cũng đam mê đọc sách từ nhỏ, em đặc biệt yêu thích văn học Việt Nam và từ việc đọc sách đã góp phần tạo cho em một thói quen suy nghĩ và quan sát- một điều rất cần thiết đối với người học Văn. Hiện nay, cả gia đình Nhung đều ở Thanh Hóa, sống xa ba mẹ nên Nhung cũng rất có ý thức tự giác cả trong học tập lẫn cuộc sống hàng ngày. Với giải 3, môn Văn học sinh giỏi quốc gia, Lâm Thị Nhung có cơ hội được tuyển thẳng vào Đại học và em đã đăng ký vào ngành Báo Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với mong muốn sau này được thực hiện niềm đam mê của mình là đi và viết về cuộc sống.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Nhung được cô giáo tin tưởng phân công em chuẩn bị và hướng dẫn phần ôn tập lý thuyết môn Văn cho các bạn trong lớp. Nhung cho rằng: Khi học Văn, nhất định phải có sự chịu khó. Nhiều người chủ quan, cho rằng môn Văn không cần học thuộc lý thuyết, đó là một sai lầm lớn. Với một tác phẩm văn học, trước hết bạn phải nắm rõ hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử tác giả, ý nghĩa nhan đề, nội dung chính và phong cách nghệ thuật của tác phẩm, ý nghĩa hình tượng nhân vật trong tác phẩm.... Nếu là thơ, bạn nên học thuộc nguyên văn bản, còn nếu văn xuôi thì thuộc những đoạn hay, đặc sắc để làm dẫn chứng khi làm bài. Muốn viết văn tốt, phải trang bị cho mình những kỹ năng nghị luận xã hội, nghị luận văn học, có vốn từ ngữ và dẫn chứng phong phú. Khi làm bài thi môn Văn, nhất thiết phải đọc thật kỹ đề và nhớ lập dàn ý cho bài làm của mình trước khi viết để tránh bị lệch đề, đồng thời tạo cho mình một tư duy logic, bài làm mạch lạc.