Âm nhạc truyền thống: Còn nhiều bất cập

Ngày 25-4, tại nhà hát Duyệt Thị Đường, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) diễn ra Hội thảo khoa học “Đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống trong thời kỳ hội nhập” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Hơn 100 đại biểu là các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý...đã tham dự.

Đánh giá của Vụ đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, kết quả của công tác đào tạo âm nhạc truyền thống tập trung ở một số mặt: mô hình đào tạo được mở rộng và đa dạng hoá; đào tạo được đội ngũ âm nhạc truyền thống tạm đủ về số lượng; chỉnh lý, đặt lời mới, truyền bá nội dung tư tưởng mới để âm nhạc dân gian tiếp tục đi vào cuộc sống...

Các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý âm nhạc tham dự hội thảo.

Tuy nhiên, hạn chế chủ yếu gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ, giáo viên còn hạn chế về năng lực, trình độ; các cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện cung cấp đủ kiến thức âm nhạc truyền thống; chưa có đủ chương trình, giáo trình, giáo án đúng quy định; thiếu thống nhất trên cả nước về những quy chuẩn cơ bản liên quan đến nội dung, quy trình đào tạo; chưa chú ý đến việc đào tạo công chúng…

Theo Vụ trưởng Vụ đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Mạnh Hùng, "lỗ hổng" hiện nay là “chỉ quan tâm đến đến đào tạo đội ngũ những người làm nghề trực tiếp như ca sĩ, nhạc công, đạo diễn... và chưa chú ý tới đào tạo công chúng, đào tạo khán giả, nhất là trong tình hình âm nhạc phương Tây và các loại hình giải trí khác đang thách thức âm nhạc truyền thống”.

Đặc biệt, hiện vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các cơ sở đào tạo âm nhạc yếu kém về chất lượng. Nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc dựa vào vấn đề "đặc thù" để giải thích, chống chế cho những điểm “thiếu sót”.

Nguyên Cục Trưởng cụ Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo sư Bùi Gia Tường đề xuất một số giải pháp: cần đề ra mục tiêu phấn đấu, bước đi và kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng lực lượng cán bộ có trình độ cao, cả về chuyên môn và quản lý; chọn sinh viên có sở trường, nguyện vọng và đam mê sáng tác cho ngành âm nhạc truyền thống; cần có nguồn kinh phí giúp cán bộ, giảng viên học các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống của các vùng miền trên cả nước; cho phép tổ chức định kỳ một số cuộc thi, liên hoan... mang tính quốc gia cho các bộ môn âm nhạc truyền thô Việt Nam.

Nguồn Báo Nhân Dân