Xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp chiến lược của Đảng

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.

Thay mặt Ban Giám đốc Học viện, đồng chí Tạ Ngọc Tấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã báo cáo với Tổng Bí thư tình hình hoạt động của Học viện: Trải qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bám sát các yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, Học viện đã có nhiều đổi mới trong tất cả các mặt công tác, mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học hành chính.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Tổ chức bộ máy của Học viện dần được hoàn thiện với một Trung tâm Học viện và 6 Học viện trực thuộc với gần 2.900 cán bộ công nhân viên chức. Trong 6 năm, từ năm 2006 - 2011, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng gần 150.000 học viên theo học các chương trình, hệ lớp khác nhau, từ bồi dưỡng ngắn hạn, cao cấp lý luận chính trị- hành chính đến đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Công tác nghiên cứu khoa học cũng thu được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần vào việc xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương các kết quả quan trọng mà Học viện đã đạt được. Tổng Bí thư gợi ý, các đại biểu cần tập trung thảo luận làm rõ 10 vấn đề trên cơ sở trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Trong đó, đi sâu vào mối quan hệ, thế mạnh giữa đào tạo và nghiên cứu; các điểm mới, thành tựu nổi bật về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; chính sách phát triển đối với đội ngũ cán bộ; cơ chế lãnh đạo và quản lý; phương thức học tập và nghiên cứu của các học viên; việc đầu tư cho cơ sở vật chất; công tác xây dựng nội bộ...

Trên cơ sở phân tích các thuận lợi và khó khăn, cán bộ Học viện và đại diện các bộ, ban, ngành đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, hệ thống tổ chức bộ máy và kinh phí tài chính… dành cho Học viện. Theo đó, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tào, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, sử dụng hiệu quả đội ngũ lãnh đạo chiến lược, phân cấp mạnh cho các đơn vị, tạo sự quản lý thống nhất trong toàn bộ hệ thống. Đồng thời, xác định rõ địa vị chính trị - pháp lý của Học viện để tránh quản lý buông lỏng, chồng chéo, cũng như tăng cường cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan; tăng cường nguồn lực đầu tư, tham gia tích cực vào việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch ...

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cán bộ, đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị, Học viện cần tổng kết nhanh, kỹ 10 nội dung Tổng Bí thư đã nêu. Trong đó, Học viện cần xác định rõ về bản chất là trường Đảng, đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý theo yêu cầu của Đảng, từ đó xác định rõ nội dung, phương thức đào tạo; cần quan tâm hơn nữa đến công tác nghiên cứu khoa học.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Học viện cần khẩn trương ban hành chiến lược phát triển đến năm 2020 trên cơ sở xác định rõ chức năng, vị trí công việc; xây dựng quy chế hoạt động mới với việc nên có Hội đồng Học viện và xây dựng kế hoạch công tác 2012-2015, trong đó tập trung rà soát lại mục tiêu, chế độ thu hút đội ngũ giáo viên, sắp xếp đội ngũ, chế độ chính sách; xây dựng kế hoạch đầu tư đến năm 2020 và nhanh chóng gửi văn bản đề nghị với Chính phủ về chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ Học viện.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò cực kỳ quan trọng của Học viện trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học hành chính. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Học viện chưa bao giờ có quy mô lớn, hệ thống đào tạo từ Trung ương đến địa phương như hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển quy mô quá lớn, nội dung nhiều, đối tượng rộng, phát triển nhanh nhưng lực lượng cán bộ lại có hạn, khả năng chưa đáp ứng được yêu cầu từ mô hình, cơ chế, chính sách đến đội ngũ cán bộ. Vì vậy, theo Tổng Bí thư, cần phải nghiêm túc điều chỉnh ngay, không chờ đợi. Cần thường xuyên bổ sung, cập nhật kỹ năng, kiến thức; tăng cường lý luận thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú ý đào tạo phẩm chất đạo đức, với các bài giảng mẫu mực, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấn chỉnh cắt bớt đào tạo tại chức, gắn đào tạo với quy hoạch cán bộ, trong đó quan tâm đến đào tạo cán bộ trình độ cao cấp; đồng thời giữ vững, đi đôi phát triển qui mô với chất lượng.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TTXVN)

Xung quanh công tác nghiên cứu khoa học, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn ít các công trình khoa học phát hiện ra vấn đề mới, hệ thống đề tài còn trùng lặp... Do đó, cần chú trọng ưu tiên công tác này bởi nó sẽ trực tiếp phục vụ việc hoạch định cho đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát triển lý luận cũng như phát huy hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Về đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư cho rằng, cần tăng cường mời cộng tác viên, giảng viên là lãnh đạo giảng bài, sử dụng đội ngũ chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm; đồng thời, cần có nội quy chặt chẽ đối với việc học tập, nghiên cứu của các học viên.

Tổng Bí thư nêu rõ: Học viện cần tham gia tích cực vào việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ phải có tâm huyết, có kiến thức, hết lòng vì Đảng, vì dân, vì nước; khẩn trương tổng kết Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu cần triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. “Đây là vấn đề gốc, then chốt, cần chấn chỉnh ngay, cái gì vướng về cơ chế thì kiến nghị”. Tổng Bí thư nhấn mạnh./. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam