Những lo lắng của học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp

(NTO) Cả 3 môn khối C là Văn, Lịch sử, Địa lý cùng năm trong danh sách 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm đã thực sự khiến nhiều học sinh phải boăn khoăn lo lắng. Cũng chỉ không đầy 2 tháng nữa là kỳ thi đã bắt đầu, chính vì vậy, đây cũng là thời gian nước rút để các “sĩ tử” tập trung ôn tập để đạt kết quả cao sau bao năm đèn sách.

Lo lắng với 2 môn Lịch sử và Địa lý

Ngay từ khi có thông tin chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, em Trần Thị Thúy Phượng, học sinh lớp 12/T2, Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước hết sức lo lắng. Phượng học giỏi thiên về các môn tự nhiên và em cũng dự thi đại học khối A, trong khi 6 môn thi tốt nghiệp thì đã có đến 3 môn của khối C, trong đó có 2 môn Lịch Sử và Địa lý với lượng kiến thức nhiều, bắt buộc phải học thuộc. Phượng cho biết: “Điểm trung bình trên lớp của em ở 2 môn học này cũng không quá tệ nhưng trong cách làm bài em vẫn thường lúng túng. Đặc biệt là môn Địa lý, có nhiều dạng bài tập khó nhận biết mà đã rất nhiều lần em xác định sai yêu cầu của đề”.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An trao đổi bài trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2011

Môn Lịch sử và Địa lý cũng là nỗi lo của em Nguyễn Thị Mỹ Hồng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Bác Ái. Hồng cho biết, “Không chỉ riêng em, mà hầu hết các bạn trong trường đều rất lo khi thi tốt nghiệp năm nay có cả 3 môn khối C: Văn, Sử, Địa. Riêng em thì lo nhất môn Lịch sử bởi môn học này đòi hỏi phải học thuộc, nhớ rõ, chính xác sự kiện thì mới làm được bài trong khi lượng kiến thức mà tụi em phải học thì quá rộng lớn”.

Nỗi boăn khoăn, lo lắng về những môn xã hội không chỉ dành cho những học sinh chuyên khối A. Nguyễn Hoài, học sinh Trường THPT An Phước tuy là một học sinh chuyên về các môn xã hội và đăng ký dự thi đại học khối C nhưng vẫn thấy không yên tâm với 6 môn thi tốt nghiệp. Theo Hoài, các môn xã hội dù giỏi đến mấy cũng khó mà đạt điểm tuyệt đối. Như vậy, các môn Toán, Hóa, Anh các em cũng phải có được một số điểm tương đối, mà muốn như vậy thì phải cùng lúc học thật tốt ở tất cả các môn, không được lơ là môn học nào: Văn, Sử, Địa có lượng kiến thức nhiều, khó nhớ thì phải dành nhiều thời gian hơn. Những môn mình còn yếu là Toán, Hóa, Anh cũng phải đầu tư nhiều để đạt kết quả cao.

Cũng theo ý kiến của nhiều giáo viên dạy lớp 12, hầu hết các học sinh dù là chuyên tự nhiên hay xã hội đều cảm thấy lo lắng khi Lịch sử và Địa lý nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp năm nay. Nhưng cũng chính từ những lo lắng đó, các em đã biết ý thức lên kế hoạch, thời gian biểu ôn tập hết sức nghiêm túc. Đặc biệt, việc thi môn Lịch sử cũng đã giúp nhiều em bỏ thái độ lơ là, tập trung hơn với môn học này.

Tìm những phương pháp học tốt nhất

“Học bài nào, nắm chắc bài đó” là phương châm học môn Lịch sử mà em Trần Thị Thúy Phượng đang áp dụng. Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là đến kỳ thi, vì vậy Phượng đã gấp rút lên cho mình một thời gian biểu thật kín, vừa ưu tiên cho các môn thi tốt nghiệp, vừa đảm bảo đỗ đại học. Với các môn tự luận, Phượng lập đề cương cho từng bài học, nắm chính xác những ý chính và thường xuyên hệ thống lại những bài đã học để tránh tình trạng “học trước quên sau”. Tuy lo lắng nhất môn Lịch sử và ưu tiên thời gian hơn cho các môn tự luận nhưng Hoài cũng phân đều lịch học cho cả 3 môn. Theo em “Học xen kẽ các môn học sẽ tránh được sự mệt mỏi, nhàm chán, giúp em có hứng thú và tiếp thu tốt hơn”.

Cũng ưu tiên dành thời gian cho môn Lịch sử hơn các môn thi khác, em Lưu Thiên Bảo Ngọc, học sinh lớp 12/C2, Trường THPT Phạm Văn Đồng cho biết “Em tập trung nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nhớ chính xác các ngày tháng, sự kiện quan trọng và thực hành làm các đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử hoặc các dạng bài tập thầy cô cho”.

Lo lắng, boăn khoăn vì những môn thi tự luận quá dài, khó nhớ, ngại học thuộc… đó là tâm trạng chung của nhiều học sinh lớp 12 hiện nay. Tuy nhiên, mỗi học sinh cũng đang nỗ lực, cố gắng rất lớn, hy vọng rằng với sự cố gắng đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ đạt được kết quả cao.