Bầu cử Tổng thống Pháp: Bước vào chặng cuối

Đường đua vào Điện Elyssé đã tiến tới chặng về đích khi chỉ còn 6 ngày nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ chính thức diễn ra.

Không bỏ qua những giờ phút quý báu cuối cùng để thu hút sự ủng hộ của các cử tri, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy thuộc Đảng Cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và ứng cử viên Đảng Xã hội (PS) Francois Hollande liên tục tung ra các chiêu thức vận động mới, khiến cuộc cạnh tranh giữa hai ứng cử viên hàng đầu này ngày càng quyết liệt.

Với nỗ lực mạnh mẽ nhằm kiếm thêm điểm uy tín, những ngày gần đây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống N.Sarkozy đã có chút nhỉnh hơn đối thủ F.Hollande trong một số cuộc thăm dò dư luận về vòng I của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông chủ Điện Elyssé vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với đối thủ F.Hollande trong các cuộc điều tra dư luận về kết quả bầu cử Tổng thống vòng 2. Hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy, Hollande vẫn giành được từ 53-55%; còn Tổng thống N.Sarkozy vẫn chưa vượt qua được con số 47% cho dù hứa hẹn sẽ "đoàn kết" người dân Pháp nếu tái đắc cử. Đây được xem là "lá bài" cuối cùng của Tổng thống đương nhiệm Pháp nhằm thu hút thêm cử tri. Vì vậy, dù vẫn tỏ ra tự tin vào thắng lợi nhưng, đôi lúc Tổng thống - ứng cử viên N.Sarkozy không giấu nổi vẻ mệt mỏi hiện lên trên khuôn mặt. Dù không nói ra, nhưng trong êkíp tranh cử của UMP đã có người nghĩ rằng ông N.Sarkozy sẽ không thể chiến thắng. Báo Le Figaro thậm chí còn tiết lộ đã có "rất nhiều cuộc nói chuyện trong chính phủ xoay quanh chủ đề làm gì sau thất bại" của Tổng thống N.Sarkozy.

 

 
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dự kiến sẽ là cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên F.Hollande (trái) và N.Sarkozy.

Để cải thiện tình hình trong chặng đua quyết định đang diễn ra, ngoài chương trình nghị sự dày đặc, ông Sarkozy sẽ tiếp tục "trực tiếp gặp gỡ người dân Pháp"; trong đó có cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Concorde ngày 15-4 ở Paris "để giữ sáng ngọn lửa". Hai ngày trước bầu cử vòng 1, ông sẽ có cuộc mít tinh cuối cùng tại Nice. Hy vọng của Tổng thống N.Sarkozy hiện nay là lợi thế kinh nghiệm khi phải đối mặt với đối thủ F.Hollande tại hai cuộc tranh luận trực tiếp nếu cuộc bầu cử tổng thống buộc phải bước vào vòng 2.

Dấu ấn khá đậm nét mà ứng cử viên cánh tả F.Hollande cho thấy trong chiến dịch tranh cử là lộ trình với những cam kết rõ ràng cho năm đầu tiên nếu đắc cử tổng thống. Các cam kết này được chia thành 3 giai đoạn: từ ngày 6-5 đến 29-6; từ ngày 3-7 đến 2-8 và từ tháng 8-2012 đến tháng 6-2013. Trong đó, đáng chú ý là cam kết sẽ giảm 30% lương của tổng thống và các thành viên chính phủ; soạn thảo Hiến chương về đạo đức nghề nghiệp dành cho các thành viên nội các; tăng 25% trợ cấp đầu năm học cho học sinh; đề ra các chính sách xã hội ưu tiên phát triển việc làm cho lớp trẻ, người lớn tuổi, đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội...

Tương tự như Tổng thống N.Sarkozy, ứng cử viên của PS cũng dồn mọi tâm huyết vào các cuộc mít tinh cuối cùng nhằm biểu dương lực lượng, trong đó có sự kiện được tổ chức tại Vincennes ngày 15-4, với sự tham gia của 100.000 người ủng hộ. Ý thức được rằng mối đe dọa lớn nhất đối với ông chính là sự vắng mặt của cử tri tại các điểm bỏ phiếu, ông F.Hollande tập trung kêu gọi người ủng hộ thực hiện "bỏ phiếu hữu ích".

Bất ngờ trong chiến dịch tranh cử giữa 10 ứng cử viên Tổng thống Pháp chặng cuối này là đại diện của Đảng Mặt trận cánh tả (FG) Jean - Luc Melenchon. Chỉ trong một thời gian ngắn, ứng cử viên này đã khẳng định được sự tiến bộ vượt bậc, với tỷ lệ ủng hộ nhanh chóng tăng từ 12% đến 15% trong các cuộc thăm dò dư luận, thậm chí còn vượt qua cả ứng cử viên cực hữu thuộc Đảng Mặt trận dân tộc, bà Marine Le Pen, từng được coi là "ẩn số" của cuộc đua. Đáng nói là, thành công của Melenchon có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hollande tại vòng 2 bầu cử, đặc biệt trong trường hợp ông giành được vị trí thứ ba tại vòng 1. Điều này không mấy khó hiểu khi FG liên tục khẳng định rằng nếu ứng cử viên của họ J.Melenchon không thể vào được vòng hai, đảng này sẽ kêu gọi cử tri của mình bỏ phiếu "để đánh bại Nicolas Sarkozy" nhằm "thay đổi căn bản hiện trạng" của nước Pháp và FG sẽ coi đây là một "nhiệm vụ ưu tiên".

Trong khi đó, Tổng thống N.Sarkozy chưa chắc đã có được lợi thế này từ lực lượng cử tri của các đảng cánh hữu khác. Thậm chí nữ ứng cử viên Marine Le Pen còn lạnh lùng khẳng định, nếu không thể thành công, bà sẽ không có trách nhiệm phải kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên nào có mặt tại vòng 2. Rõ ràng, cuộc chiến bảo vệ ngôi vị của Tổng thống N.Sarkozy dường như đang "lành ít, dữ nhiều".

Nguồn Báo Hànộimới