Liên đoàn Bóng đá Việt Nam “khai tử” VFF Cup: Trút gánh nặng!

Ngừng tổ chức VFF Cup là cần thiết, trong bối cảnh chúng ta còn nhiều khó khăn về tài chính và không dễ mời được các đối thủ đẳng cấp.

Thông tin Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tuyên bố “xóa sổ” VFF Cup dấy lên trong lòng người hâm mộ nước nhà rất nhiều câu hỏi vì sao một giải đấu từng quy tụ rất nhiều đội bóng lừng danh như Thái Lan, Porto B (năm 2004), U20 Nhật Bản (năm 2005)… lại bị “dẹp bỏ” không thương tiếc?

Vì sao sân chơi từng được xem là cuộc “tổng diễn tập” cần thiết trước các “trận đánh lớn” SEA Games, AFF Cup hằng năm đã được khắc sâu trong bộ nhớ người hâm mộ giờ đây buộc phải trở thành hoài niệm?

VFF cup được xem là cuộc “tổng diễn tập” cần thiết trước các “trận đánh lớn” SEA Games

Hỏi đấy, nhưng cũng chẳng khó để tìm được câu trả lời, bởi VFF Cup (ban đầu được đánh giá rất cao về chuyên môn) vài năm trở lại đây đã “xuống giá” một cách thảm hại. Chẳng phải trong các năm 2009, 2010 và 2011 vừa qua, khách mời của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hầu hết chỉ “trấn an” được khán giả ở cái “danh” sao? Còn về thực chất, “phần hồn” của những U23 Australia, U23 Triều Tiên, U23 Phần Lan, U23 Malaysia, U23 Uzbekistan… đều là dàn cầu thủ trẻ, cỡ U20 - thi đấu theo kiểu hữu nghị. Họ sang Việt Nam tham dự vì quan hệ “đối ngoại” giữa các liên đoàn hơn là xem VFF Cup như một giải đấu đúng nghĩa.

Sự xuống cấp về chất lượng của một chiếc cúp đã kéo theo sự thờ ơ từ phía nhà tài trợ và khán giả. Kể từ thời điểm Ngân hàng Agribank rút lui (2007), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam luôn phải chạy đôn chạy đáo tìm Mạnh Thường Quân và liên tục “thay tên đổi họ” cho giải đấu - như liên danh với các tập đoàn T&T năm 2008, Smart Door năm 2009, Sơn Hà năm 2010... Thậm chí, năm 2011, sau khi đã “hết hơi” kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp tài trợ mà không nhận được hồi âm, lãnh đạo VFF đành phải cậy nhờ tới “người nhà” là Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh tế - tài chính Lê Hùng Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank) đứng ra cáng đáng. Tổ chức một giải đấu theo kiểu “ăn đong” đúng là… nặng nợ.

Với cách thức sinh tồn không giống ai của VFF Cup, không ngạc nhiên khi VFF quyết định “khai tử” sân chơi này. Điều này còn đồng nghĩa với việc trút bỏ một nỗi lo từng khiến nhiều nhà quản lý đau đầu nhức óc. Song, điều đáng phải suy ngẫm là để hợp thức hóa việc giải thể VFF Cup, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đưa ra một lý do rất thiếu thuyết phục là: sợ đội tuyển quốc gia nam bị đối phương “bắt bài”.

Ai đó đã nói rất chí lý rằng vài ba năm trở lại đây, đội tuyển của chúng ta thi đấu ở các giải khu vực có “bài” nào đâu mà sợ “lộ” (?) và nếu sợ “lộ” (dù có “bài” đi chăng nữa) chắc hầu hết các đội bóng chẳng dám thi đấu tập huấn, giao hữu cùng nhau.

Chuyện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ngừng tổ chức VFF Cup là cần thiết, trong bối cảnh chúng ta còn nhiều khó khăn về tài chính và không dễ mời được các đối thủ đẳng cấp. Có điều, người hâm mộ cần những lời giải thích thuyết phục, nhìn thẳng vào những nhược điểm khách quan của giải đấu chứ không phải vài ba nhận định “vu vơ” như sợ bị đối phương “bắt bài” hay từ nay đến cuối năm (thời điểm diễn ra AFF Cup 2012), đội tuyển Việt Nam sẽ có 6 trận giao hữu nên tổ chức VFF Cup là không cần thiết… xét cho cùng chỉ khiến dư luận thêm buồn và nản./.

Nguồn VOV Online/Báo TNVN