Cần bảo vệ một chứng tích lịch sử cách mạng

Vào những năm đầu thế kỷ XX, trước sự lan tỏa của phong trào Đông Du, Duy Tân do các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng, chàng thanh niên Trần Thi, thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã tập hợp thanh niên địa phương lập ra “Hội đồng ước” trừ ngũ tệ và thực hiện ngũ thường (1).

Đây là một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên sớm hình thành, nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong lòng người dân Ninh Thuận nói chung và Vạn Phước nói riêng.

Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trên cả nước. Sau đó một năm (3-1931) cùng với Đề-pô xe lửa Tháp Chàm và nhiều nơi khác trong toàn tỉnh, trên ngọn cây đa và cây me Chùa Vạn Phước cờ đỏ búa liềm tung bay trước sự hò reo vui mừng của quần chúng nhân dân. Cây me cũng là một trạm gác tiền tiêu cho cán bộ tỉnh làm việc trong đình làng Vạn Phước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cây me Chùa Vạn Phước - nơi được treo lá cờ đỏ búa liềm (tháng 3-1931).

Ngày 23-8-1987 ông Trần Quỳnh và Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (2) về thăm chiến trường xưa có dặn dò thanh niên và nhân dân địa phương cần bảo vệ hai cây cổ thụ này vì nó đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Thế nhưng hiện nay cây me cổ thụ trở thành hoang dã, cỏ mọc, rác thải bao trùm gốc me, người dân tự ý tỉa cành lúc nào cũng được. Cây me trở thành xơ xác… cạnh một di tích lịch sử cấp quốc gia (Đình làng Vạn Phước).

Rất mong sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhất là UBND xã Phước Thuận cần cho rào chắn, bảo vệ gốc me, để một chứng tích khỏi mai một với thời gian.

(1) Ngũ tệ: rượu, cờ bạc, thuốc phiện, trai gái đàng điếm, mê tín dị đoan.
Ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
(2) Ông Trần Quỳnh lúc hoạt động cách mạng có sống làm việc tại Vạn Phước (cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
- Nguyễn Thế Lâm, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 81 của Ninh Thuận (lúc ấy đóng quân ở Vạn Phước) nay là Thiếu tướng.