Khai mạc Hội nghị cấp cao kinh tế ASEAN - EU: Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp ASEAN

Hôm nay 1-4, Hội nghị cấp cao kinh tế ASEAN - EU lần thứ hai sẽ diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia với chủ đề: Thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế ASEAN - EU dựa trên cơ sở thương mại và đầu tư bền vững. Theo nước chủ nhà, hội nghị lần này thu hút sự tham gia của các đoàn đại biểu nhiều hơn mong đợi với hơn 350 đoàn, gồm các quan chức thương mại và doanh nghiệp của các thành viên ASEAN và EU.

ASEAN – Đối tác bình đẳng của EU

Bà Dominique Catry, Chủ tịch Phòng thương mại EU tại Campuchia cho biết, điều này khẳng định thị trường Campuchia nói riêng và ASEAN nói chung được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả nhà hoạch định chính sách của hai khối mong muốn thảo luận các vấn đề chủ yếu trong quan hệ thương mại và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

 
May hàng xuất khẩu sang châu Âu tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Ảnh: Kim Ngân

Hội nghị này nhằm mục đích tạo diễn đàn thảo luận về những cơ hội lớn do việc mở cửa thị trường mang lại, tự do hóa thương mại và tăng cường hội nhập toàn cầu cũng như khu vực. Các nhà hoạch định chính sách đã khẳng định các lĩnh vực mà hai bên đang hợp tác và đầu tư có hiệu quả là kinh tế nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng thương mại hai chiều năm 2009 gần 172 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng giá trị thương mại của ASEAN. EU cũng là nguồn cung ứng đầu tư FDI lớn vào ASEAN với lượng vốn đầu tư chiếm gần 20% tổng mức đầu tư ASEAN nhận được. Quan hệ kinh tế ASEAN - EU đã có một bước tiến dài làm thay đổi cục diện chung trong quan hệ hai khối, giúp ASEAN từ vị trí của người nhận tài trợ trong những năm 1990 đến nay đã trở thành đối tác bình đẳng với EU.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Mặc dù các con số thống kê về quan hệ thương mại EU - ASEAN hoàn toàn rất thuyết phục, nhưng lại hầu như không được các đầu báo kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới như The Financial Times, Wall Street Journal, New York Times và The Economist… quan tâm. Những con số trên cũng cho thấy mặt khác của vấn đề: kết quả đạt được chưa tương xứng với mối quan hệ hai khối vốn đang được xem là có vị trí quan trọng bậc nhất trên thế giới. Đặc biệt, bối cảnh Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và EU, vươn lên trở thành đối tác thương mại số một của ASEAN đang đặt vấn đề cho EU xem lại chính sách hợp tác với ASEAN. Đàm phán FTA (Hiệp định tự do thương mại) giữa hai khối đã bị trì hoãn hơn 2 năm nay, thay vào đó, EU chuyển sang ký kết FTA với từng quốc gia trong khối ASEAN. Hầu hết các thành viên của ASEAN vẫn là các quốc gia đang phát triển, và bản thân các nước vẫn đang gặp nhiều trở ngại rất lớn khi thâm nhập vào thị trường châu Âu, như các chính sách nông nghiệp của EU, chính sách chống bán phá giá… Tuy nhiên, các vướng mắc này lại không được giải quyết thông qua đối thoại giữa EU - ASEAN.

Bên cạnh đó, bản thân EU hiện đang phải trải quả cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Và nguyên nhân không kém phần quan trọng là giữa các thành viên sản xuất công nghiệp và nông nghiệp với các thành viên là người tiêu dùng luôn có bất đồng trong chính sách nhập khẩu chung của EU…

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp châu Âu đang tích cực tìm kiếm thị trường ở các nước đang phát triển bởi thị trường trong nước đã bảo hòa. Tăng cường hợp tác với EU là một cơ hội lớn cho ASEAN nhưng cũng là thách thức nếu các doanh nghiệp ASEAN không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ các nước phát triển hơn.

Ngày 31-3, tại Phnom Penh, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã kết thúc việc chuẩn bị cho tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại giữa EU và Việt Nam. Các cuộc đàm phán sẽ bao gồm một loạt vấn đề như loại bỏ thuế quan nhập khẩu, thương mại dịch vụ, các hàng rào phi thuế quan thương mại (như hàng rào kỹ thuật hoặc quy định về thực phẩm) và các khía cạnh thương mại của các quy tắc liên quan đến sở hữu trí tuệ và cạnh tranh. Ủy ban châu Âu sẽ tham khảo ý kiến với các quốc gia thành viên trước khi EU và Việt Nam khởi động các cuộc đàm phán.
Nguồn Báo SGGP Online